Tăng trưởng bị “mắc kẹt”

ANTĐ - Hơn ba năm trước, bản dự thảo đầu tiên của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội tham khảo. Năm 2012 và 2013 đều được Chính phủ tuyên bố là năm chuyển động của quá trình tái cơ cấu. Nghị quyết 01 của Chính phủ về giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với 9 nhóm giải pháp cũng nhấn mạnh tới đẩy mạnh 3 mũi đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài đều tỏ ra sốt ruột vì tiến độ chậm trễ.

Một giáo sư – tiến sĩ Đại học Kinh tế Quốc dân bình luận một cách hóm hỉnh là “lúc nào cũng nghe nói… tái mà mãi chưa thấy… chín”. Còn một chuyên gia kinh tế thì khẳng định quá trình tái cơ cấu không thể tiến được nếu vẫn giữ nếp tư duy cũ, tức là luôn muốn doanh nghiệp nhà nước là số một trong nền kinh tế. Theo vị chuyên gia này, trên thế giới không có nền kinh tế thị trường nào mà khu vực doanh nghiệp nhà nước lại chiếm tới 34% GDP như Việt Nam. Trong một cuộc trao đổi với báo giới gần đây, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc triển khai chậm trễ tái cơ cấu kinh tế, kể cả giải quyết nợ xấu ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đang là vật cản trở tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Chính sự chậm trễ này đã làm cho kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng “mắc kẹt”.

Nối tiếp năm 2011, năm 2012 là năm thứ hai liên tiếp GDP đạt mức thấp dưới 6%, thậm chí tăng trưởng GDP năm 2012 tăng ở mức thấp nhất trong 13 năm qua. Nguyên Bộ trưởng Thương mại chỉ rõ, việc giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng rất chậm khiến cho dòng vốn không đổ ra nền kinh tế được. Mặc dù trong năm qua, đã có những động thái cho thấy hệ thống ngân hàng đã bắt đầu rục rịch tái cơ cấu, song việc sáp nhập một số ngân hàng cần được hiểu rằng, không thể là phép cộng dồn đơn giản những ngân hàng nhỏ thành một ngân hàng lớn. Một số chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh, quá trình tái cơ cấu ngân hàng phải hướng đến giải quyết vấn đề gốc rễ hiện nay là rủi ro đạo đức. Muốn vậy phải tăng cường các biện pháp kinh tế thay vì  các biện pháp hành chính. Bởi vì rủi ro đạo đức chính là nhân tố vô hiệu hóa các biện pháp hành chính.

 Thực tế, hầu hết các biện pháp hành chính của Ngân hàng Nhà nước đều không được tuân thủ nghiêm chỉnh khiến cơ quan quản lý càng khó nắm bắt những hoạt động bên trong của thị trường, làm cho “bệnh mới” phát sinh, “bệnh cũ” thêm trầm trọng.  Nếu không tái cấu trúc vấn đề đạo đức trên thị trường ngân hàng thì nguy cơ tiềm ẩn từ rủi ro nợ xấu, sở hữu chéo đang tồn tại càng nghiêm trọng hơn. Việc Ngân hàng Thế giới tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn và tài chính cho việc tái cấp vốn các ngân hàng Việt Nam là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Tuy vậy,  phải tái cơ cấu thành công nền kinh tế như một tiền đề thì việc tái cấp vốn mới có ý nghĩa. Bằng không, “ném” vài trăm triệu hay cả tỷ USD cho chín ngân hàng yếu kém, mà không cải thiện toàn diện hệ thống rủi ro thì một vài năm nữa “lỗ hổng” tài chính lại xuất hiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2013 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là sự quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng. Đây chính là bước đột phá tình trạng “mắc kẹt” tăng trưởng kinh tế.