Tăng tốc nỗ lực ngoại giao để chặn "miệng hố chiến tranh"

ANTD.VN - Những cú “nắn gân” tên lửa và hạt nhân liên tiếp thời gian qua đã đẩy bán đảo Triều Tiên tới tình thế “bên miệng hố chiến tranh”, song đây cũng là lúc mà các nỗ lực ngoại giao lại đang được tăng tốc tối đa.

Mỹ và Triều Tiên đều có những động thái “xuống thang” căng thẳng 

Trong động thái mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16-8 tuyên bố, nước này và Hàn Quốc đang hợp tác để tìm một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Đây được xem là tuyên bố thể hiện thái độ “xuống thang” rõ ràng khi trong cùng ngày đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “ca ngợi” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì đã hoãn kế hoạch bắn tên lửa đến đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Cùng thời điểm, tại cuộc họp báo ngày 16-8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên liên quan thông qua đối thoại để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Các cường quốc và tổ chức khu vực lớn như Nga, Trung Quốc, Đức, Liên minh châu Âu (EU)… cũng thúc giục phải tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên bởi điều đó phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Những tuyên bố kêu gọi đối thoại liên tiếp được phát đi khắp toàn cầu khi mà bán đảo Triều Tiên như đã bị đẩy tới bên “miệng hố chiến tranh” bởi leo thang căng thẳng của các bên liên quan. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa lực và cơn thịnh nộ” liên quan chương trình tên lửa thì Bình Nhưỡng liền đáp trả bằng tuyên bố sẽ bắn 4 tên lửa chiến lược tầm trung Hwasong-12 vào đảo Guam, đồng thời khẳng định nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phê duyệt kế hoạch này.

Liệu chiến tranh có nổ ra trên bán đảo Triều Tiên? Thậm chí, khi nào chiến tranh sẽ bùng phát?... - Đó là điều mà dư luận lo lắng đặt câu hỏi trước những tuyên bố đầy cứng rắn trên đây. Song, giới phân tích lại cho rằng không dễ bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Cho dù Triều Tiên có đạt được những bước tiến đáng ngạc nhiên về chương trình tên lửa thể hiện qua các vụ phóng mới đây nhất, song để những tên lửa này có thể mang được đầu đạn hạt nhân và bắn trúng các mục tiêu hàng nghìn km không phải dễ dàng. Trong khi đó, Mỹ cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản với ưu thế vượt trội về quân sự có thể vô hiệu hóa hay ngăn chặn sớm một cuộc tấn công bằng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa có lẽ không nhằm “ăn thua” với các đối thủ trên bán đảo Triều Tiên mà để khẳng định vị thế quốc gia này như một cường quốc hạt nhân và tên lửa trong bối cảnh liên tục bị gây áp lực, trừng phạt. Bình Nhưỡng rõ ràng muốn các bên phải công nhận và “nói chuyện” hay đàm phán với mình như một bên bình đẳng.

Ở chiều ngược lại, Mỹ và các đồng minh có thể vô hiệu hóa cuộc tấn công xuất phát từ Triều Tiên, thậm chí đánh đòn phủ đầu. Nhưng một cuộc phiêu lưu quân sự là vô cùng nguy hiểm và ẩn chứa những hậu quả khôn lường cho chính Washington và các đồng minh ở Đông Bắc Á. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục leo thang khẩu chiến có thể làm tình hình bán đảo Triều Tiên vượt tầm kiểm soát. Đó là điều mà các bên trong cuộc đều không thể không lo ngại và phải tính tới.

Việc các bên trong cuộc cùng có những động thái xuống thang căng thẳng trong sự thúc giục của cộng đồng quốc tế giúp chính họ lùi ra xa hơn làn ranh giới đỏ nguy hiểm. Tuy nhiên, liệu Mỹ và đồng minh có chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu hạt nhân và tên lửa và đàm phán với Bình Nhưỡng trên vị thế này hay không mới là điều quyết định xem có thoát được cảnh phải thấp thỏm bên “miệng hố chiến tranh” hay không?