Tăng tốc chấn chỉnh trật tự văn minh đô thị

ANTĐ - Chiều 16-5, UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp giao ban với các sở, ngành, UBND các quận để rà soát, đánh giá việc triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc triển khai đã thu được một số kết quả bước đầu nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Đoàn Liên ngành thực địa hiện trường để tìm phương án xử lý nhà siêu mỏng

Theo ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, TP từng có khoảng 209 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường cần giải tỏa và có phương án bố trí sắp xếp. Tới nay, các địa phương đã giải tỏa 97 tụ điểm chợ cóc lấn chiếm vỉa hè lòng đường, còn lại 112 tụ điểm chưa giải quyết hoặc tái phát, các quận phải tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. 

Tính đến ngày 10-5, toàn thành phố đã xử lý 1.066 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng như không phép, sai phép…, cưỡng chế 393 trường hợp; ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, hạ tầng kỹ thuật với số tiền trên 80 triệu đồng.  Đặc biệt, các địa phương đã chủ động kiểm tra, giám sát việc xây dựng tại các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, các khu vực đã và đang thực hiện xây dựng đường giao thông theo quy hoạch: phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, dứt điểm các công trình xây dựng siêu mỏng, siêu méo. Tại đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, UBND quận Đống Đa đã xử lý 50 trường hợp. Một số buộc phải thu hồi để xây dựng công trình công cộng… 

Về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ông Lê Văn Dục cho biết, nhiều điểm đen ùn tắc, tai nạn đã được điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp, lắp bổ sung đèn tín hiệu, thực hiện phân luồng… Các lực lượng chức năng đã phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, nhất là hiện tượng xe dù, bến cóc, với hơn 91.400 trường hợp bị xử lý, tổng số tiền phạt lên tới 25 tỷ đồng. 

Một nội dung quan trọng khác là xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn an toàn xã hội cũng đã hoàn thành cơ bản khung đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội” nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch văn minh”, tạo chuyển biến trong giao tiếp ứng xử, nhất là trong văn hóa giao thông, công sở, nơi công cộng.  

Tuy nhiên, đánh giá chung kết quả tổ chức thực hiện, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, dù công việc thực hiện khá nhiều song chưa đạt được yêu cầu đề ra. Ở một số đơn vị, việc triển khai còn chậm, không bám sát nhiệm vụ của thành phố nên kết quả hạn chế. Một số quận làm chưa tốt, nên chậm báo cáo TP.

Đồng tình với quan điểm của Sở Xây dựng, đại diện một số quận nội thành cho rằng, chỉ mất 1-2 ngày là có thể xóa tụ điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nhưng để duy trì kết quả thì rất khó. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hoa cho biết, nhiều điểm vi phạm đã “xóa” xong một thời gian lại bị tái lấn chiếm. Vì vậy, quận đề nghị các đơn vị chức năng của thành phố có cơ chế hỗ trợ địa phương. 

Ghi nhận kiến nghị từ các địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu phải duy trì công việc thường xuyên, kiên trì, bền bỉ; đòi hỏi nhiều giải pháp vận động, xử lý, chấn chỉnh; bảo đảm đô thị văn minh hiện đại nhưng cũng bảo đảm an sinh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Hiện nay, các ngành còn những vướng mắc trong thực hiện, do công tác quản lý đan xen, chồng chéo. Do đó, cần tập trung chọn một số việc để quyết tâm xử lý triệt để, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. Các vấn đề nổi cộm, lực lượng chủ công thực hiện là các quận, huyện. Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, các quận huyện phải phối hợp với các lực lượng chức năng đưa ra một số nội dung cụ thể để xử lý các vấn đề vướng mắc, nhanh chóng tăng tốc việc thực hiện Chỉ thị 01 của UBND TP.