Tăng tiềm lực kinh tế để bảo vệ Biển Đông

ANTĐ - Làm thế nào để “kích” doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển, trong khi vẫn tận dụng lợi thế của doanh nghiệp Đầu tư trực tiếp nước ngoài  (FDI); tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề Biển Đông và thúc đẩy ngư dân bám biển để đồng thời bảo vệ chủ quyền… là những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm bàn thảo tại nghị trường Quốc hội ngày hôm qua (8-6). 

Tăng tiềm lực kinh tế để bảo vệ Biển Đông ảnh 1Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển đang được triển khai
Ảnh minh họa

Hỗ trợ mạnh hơn cho doanh nghiệp nội

Nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế hiện nay vẫn chủ yếu là tăng trưởng về số lượng chứ chưa có biến chuyển về chất lượng, ĐB Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng bày tỏ lo ngại trước tình trạng chênh lệch giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI ngày càng sâu sắc. Trong khi doanh nghiệp FDI tiếp tục gia tăng, phát triển nhanh thì khu vực nội địa lại thụt lùi, quý I-2015 số doanh nghiệp đóng cửa còn nhiều hơn quý I-2014. “Nâng cấp khu vực doanh nghiệp trong nước phải được bắt đầu từ xây dựng công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chất lượng cao” - ĐB Huỳnh Nghĩa đề xuất.

Đây cũng là vấn đề nhiều đại biểu cùng quan tâm. ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) một mặt ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, song cho rằng giải pháp cần phải cụ thể hơn nữa, như bố trí gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn lãi suất thấp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh bày tỏ đồng tình và cho biết vừa qua, Bộ KH-ĐT đã trình Chính phủ và Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay trong kỳ họp này. “Hy vọng sang năm 2016 chúng ta sẽ có một nền tảng pháp lý chặt chẽ, toàn diện, đồng bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký hiệp định thương mại với 5 nước lớn, trong đó có Nga. 5 nước này có quy mô GDP là 400 tỷ USD (trong khi 10 nước Asean chỉ có 250 tỷ USD) và đều mong muốn có hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào nước họ. Đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Bùi Quang Vinh cho biết.

Riêng về khối FDI, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, “không nên kỳ thị với  doanh nghiệp FDI vì chúng ta đang cần họ”. Không có nước nào là không mong muốn thu hút FDI vào, kể cả các nước lớn như Mỹ, Nga. Vấn đề là làm sao cho doanh nghiệp trong nước phát triển, đây là vấn đề không chỉ Chính phủ mà bản thân doanh nghiệp FDI khi làm việc tại Việt Nam cũng mong muốn. 

Có tiếng nói mạnh mẽ hơn về Biển Đông

ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đã dành phần lớn thời lượng 6 phút phát biểu trước hội trường để đề cập đến vấn đề Biển Đông. Dẫn chứng việc Trung Quốc gia tăng hoạt động cải tạo các bãi đá ngầm trên Biển Đông ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, thậm chí mang vũ khí hạng nặng ra đây, ĐB Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh, hành động này của Trung Quốc là ngang ngược, thách thức các nước trên thế giới và cố tình đặt các nước vào việc đã rồi để Trung Quốc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông theo đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra và buộc các nước khác phải công nhận. Theo ĐB Trần Quốc Tuấn, Việt Nam cần tranh thủ mạnh mẽ dư luận quốc tế để lên án hành động sai trái của Trung Quốc. 

Về vấn đề này, Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiến nghị Chính phủ thời gian tới cần phải tập trung đẩy mạnh dân sự hóa một số đảo lớn ở quần đảo Trường Sa, ban hành cơ chế chính sách đặc thù để người dân có kế sinh nhai, ổn định cuộc sống lâu dài trên đảo. Theo Trung tướng Bế Xuân Trường, có ngư dân bám biển, định cư trên đảo, lại có lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư hỗ trợ đảm bảo thực thi pháp luật trên biển thì chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được thế trận quốc phòng an ninh, thế trận vũ trang nhân dân trên biển một cách vững chắc.

Đang hỗ trợ ngư dân đóng 52 tàu 

Làm rõ thêm băn khoăn của một số ĐBQH tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 72 về sử dụng 16.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và giảm chi ngân sách Trung ương năm 2013 để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ cũng như đóng tàu, trang thiết bị cho Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định số 67 để chỉ đạo thực hiện. 

Kết quả thực hiện đến 21-5-2015, theo báo cáo Bộ NN&PTNT tổng hợp từ 28 địa phương thí điểm, các địa phương đã đăng ký đóng 648 tàu, trong đó vỏ thép và vật liệu mới xấp xỉ 50%, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đã đăng ký 78 tàu. Trong số đã đăng ký, đã ký hợp đồng được với 52 tàu, đang giải ngân với tổng số tiền 502 tỷ đồng, đã giải ngân 100 tỷ đồng, gồm 10 tàu giải ngân trên 50%, 2 tàu đã giải ngân xong… Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, tiến độ thực hiện như vậy không phải là quá chậm vì Nghị định có hiệu lực từ 25-8-2014, đến nay mới xấp xỉ 9 tháng trong khi thời gian đóng tàu vỏ thép, công suất lớn rất lâu.