Tang thương bên dòng Tà Khốp sau vụ lật xe chở gỗ, 10 người chết

ANTĐ - Chưa bao giờ, bên dòng sông Tà Khốp (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) lại có một ngày cuối đông buồn đến thế…

Tiếng khóc nỉ non của những người vợ trẻ mất chồng, những đứa trẻ chập chững đi đội trên đầu chiếc khăn tang trắng tiễn chồng, cha nạn nhân của vụ lật xe kinh hoàng tại Nghệ An.

Chiếc xe tải chỏ gỗ mang BKS: 37V – 3851 được xem như một chuyến xe định mệnh của cuộc đời 10 người con xã Châu Lý.

Như mọi buổi sáng, tiếng gà gáy, tiếng trẻ con gọi nhau í ới đi học, còn sáng nay, tại bản Na Lạn lại chứng kiến tiếng khóc xé lòng của những người vợ trẻ mất chồng. Màu khăn tang, màu cờ trắng và cả nhưng cơn mưa của trận lạnh đầu đông càng làm cho xã nghèo thêm đau buồn tiễn những người con của bản làng về nơi an nghỉ. 

Chiếc quan tài bằng gỗ được đặt ngay trong ngôi nhà được dựng lên tạm bằng tre gỗ do mồ hôi nước mắt của hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Tâm - vợ nạn nhân Lê Văn Lường (42 tuổi, ở bản Na Lạn) vay mương tích cóp.  

Hai chiếc quan tài trong căn nhà trống hoắc của hai nạn nhân Lô Văn Thông và Lô Văn Minh.
Hai chiếc quan tài trong căn nhà trống hoắc của hai nạn nhân Lô Văn Thông và Lô Văn Minh.
Chị Tâm ngất lên ngất xuống như vẫn chưa tin vào sự thật phũ phàng đau thương khi người chống mình mất vào sáng qua. “Răng anh nói đi bốc gỗ để về lấy tiền dựng cho xong nhà mà lại đi luôn rứa? Nhà chưa làm xong mà anh lại đi rồi, mẹ con em răng mà sống được đây…”, chị Tâm khóc thét ôm lấy chiếc quan tài phủ khăn trắng.

Ngôi nhà hai vợ chồng vẫn trống huơ trống hoắc khi vẫn còn chưa hoàn thành, trong nhà cũng không có thứ gì đáng giá, gia đình nghèo hai vợ chồng quanh năm lam lũ với nương rẫy. Hai đứa con nhỏ (một đứa học lớp 10, 1 đứa lớp 9), cũng khóc ngất đi khi nghe tin bố mất. 

Căn nhà của hai anh em ruột Lô Văn Thông (SN 1988) và Lô Văn Minh (SN 1990) tang thương cũng không kém. Ngôi nhà xệp sệ, không có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường để ngủ. Nền nhà vẫn tráp tạm bằng đất sét để đi lại, hai chiếc quan tài đặt chật kín cả gian nhà. 

Anh thông có vợ và một đứa con nhỏ mới hơn một tuổi, đứa con nhỏ chưa rời chân mẹ, cứ chạy nhảy tung tăng cười rúc rích, trèo đi trèo lại trên quan tài của bố vì nó không biết rằng cha nó đã ra đi vĩnh viễn.

Chị Lương Thị Dung, vợ nạn nhân Thông vừa mới được mọi người đưa vào thoa dầu vì ngất. Khi gặp chúng tôi, chị lại la hét thảm thiết gọi hồn chồng như đang ở quanh đâu đây. 

Chị tâm sự: “Nhà nghèo, thằng nhỏ ốm suốt anh Thông nói đi bốc gỗ lấy tiền đưa cháu đi xuống huyện khám bệnh, rứa mà anh…” - nói đến đây chị không còn nói rõ thành lời và lại khóc thảm thiết.  

Vợ nạn nhân Vi Văn La khóc thảm thiết bên xác chồng.
Vợ nạn nhân Vi Văn La khóc thảm thiết bên xác chồng.
Anh Thông là con trai đầu trong gia đình, lấy vợ và sinh được một cháu nhỏ, còn em trai Thông là anh Minh cũng đã lấy vợ sinh được 2 cháu nhỏ (đứa 2 tuổi và 3 tháng tuổi). 

Hai anh em đều đi bốc gỗ và để lại hai người con dâu góa bụa và những đứa con thơ giữa núi rừng. 

Ông Hùng (cha đẻ Thông – Minh) như vẫn chưa thể tin vào sự thật ấy: “Hai thằng rủ nhau đi cùng một chuyến. Hai anh em nó chết một chỗ, chết một ngày sao mà tôi có thể tin được vô cái sự thật ni hả chú”.

Ông òa khóc: “Răng hai đứa bay không sống để chống gậy tiễn tau đi mà lại bắt tau đứng đây chống gậy tiễn bay đi ri…”.  

Dòng suối Tà Khốp như ngừng chảy, bởi khói hương ngun ngút, bỏi những tiếng khóc nỉ non, bởi sự đau buồn tang tóc đang bao phủ lấy nó. Giọt nước mắt hàng trăm người thân, anh em, làng bản đã rơi để tiễn các anh. 

Cũng trong chuyến đi ấy, lại thêm hai anh em ruột nữa lại bỏ mạng khi đi bốc gỗ kiếm tiền, Vi Văn Việt (SN 1978) và Vi Văn Túi (SN 1984 - Túi mất vào cuối giờ chiều ngày hôm qua (sau gần 15 giờ đồng hồ cấp cứu tại BVĐK Quỳ Hợp). 

Sáng qua, khi phóng viên PLVN Online gặp chị Túi (tên vợ nạn nhân Vi Văn Túi – tên vợ lấy tên chồng theo phong tục của dân tộc Thái tại Nghệ An –PV) tại bệnh viện, chị đã khóc rất nhiều và bây giờ chị lại khóc thảm thiết hơn. 

“Sáng qua, thấy anh nằm bất động em vẫn mong chờ vào một phép màu để anh có thể tình dậy cầm tay em, nhưng đến chiều những hơi thở cuối cùng của anh cũng đã trút xuống. Sao anh “ác” rứa? đi mà không nói chi, đi mà lại bỏ mẹ con em ở lại đây cô quạnh…”, chị Túi nước mắt ngắn dài nói.

Với 10 bà vợ mãi mãi mất chồng, khoảng gần 20 đứa trẻ mồi côi cha vĩnh viễn, đây có lẽ là nỗi đau không biết đến bao giờ nguôi ngoai. 

Rời xã Châu Lý trong sáng còn đầy sương núi mà lòng chúng tôi thắt lại khi nghĩ về cuộc sống của những người nhà nạn nhân còn khóc vật vã bên chiếc quan tài…

10 nạn nhân chết:

1, Ca Văn Anh - Bản Ngọn, Châu Lý 

2, Vi Văn Cầm - Bản Ngọn, Châu Lý 

3, Lê Văn Lường - Bản Na Lạn, Châu Lý 

4, Vi Văn Hiếu - Bản Na Lạn, Châu Lý 

5, Lô Văn Thông - Bản Na Lạn, Châu Lý 

6, Lô Văn Minh - Bản Na Lạn, Châu Lý 

7, Vi Văn Việt - Bản Bù Lầu, Châu Lý 

8, Vi Văn Nhỏ - Bản Cồn, Châu Lý

9, Vi Văn Là - Bản Na Lạn, Châu Lý

10, Vi Văn Túi - Bản Bù Lầu, Châu Lý

Các nạn nhân đang được cấp cứu:

1. Nguyễn Văn Thìn - Bản Na Lạn, Châu Lý

2. Vi Văn Thích - Bản Na Lạn, Châu Lý

3. Vi Văn Dũng - Bản Ngọn, Châu Lý

4. Vi Văn Dương - Bản Ngọn, Châu Lý

5. Vương Đình Hạnh - Bản Lấu, Châu Lý (tài xế).