Tăng thuế VAT rất nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội

ANTD.VN - Một luật quan trọng điều chỉnh cả 5 luật thuế như thế này thì phải đánh giá tác động một cách kỹ càng, kể cả đánh giá tác động đến kinh tế xã hội, đến từng nhóm dân cư, kể cả các cân đối kinh tế vĩ mô.

Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đưa ra tại buổi tọa đàm Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế được tổ chức sáng nay.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều khẳng định sự cần thiết trong việc xây dựng luật sửa đổi 5 luật thuế trước những yêu cầu cơ cấu lại ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn thu trong trung và dài hạn....

Đặc biệt trong bối cảnh tác động của các cam kết quốc tế đến sự phát triển kinh tế xã hội nước ta, đặc biệt tới tổng thu và cơ cấu NSNN nói chung và cơ cấu thu thuế, phí nói riêng. Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho rằng xu hướng hội nhập là giảm thuế nhập khẩu để tạo cơ hội kinh doanh, thu hút đầu tư khiến nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm nhiều. “Ví dụ 20 năm trước thu từ thuế nhập khẩu chiếm  33% trong tổng thu ngân sách, chắc chắn thời điểm này chỉ còn 1 con số” – ông Đào Huy Giám nói và cho rằng việc cơ cấu lại NSNN thời điểm này là cần thiết.

Về việc tăng thuế GTGT, ông Đào Huy Giám cho rằng trong điều kiện bắt buộc phải tăng thì phải minh bạch, rõ ràng và động viên nhân dân, doanh nghiệp. Về thuế VAT, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng khi tăng Thuế VAT đánh cả vào hàng nhập khẩu lẫn trong nước, vì vậy cơ bản không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh doanh nghiệp. Nhưng tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá, vì vậy có ảnh hưởng đến tiêu dùng, do vậy cần tính toán kỹ và cần sự chia sẻ của người dân, doanh nghiệp.

Tăng thuế VAT rất nhạy cảm, tác động lớn đến toàn xã hội

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng trong đợt điều chỉnh lần này nhằm đảm bảo nhiều mục tiêu, trong đó có điều chỉnh đảm bảo ngân sách trong tình trạng hụt thu thuế xuất nhập khẩu, thêm nữa là thu từ dầu thô đang giảm mạnh.

Trong lần điều chỉnh này lựa chọn thuế trực thu là thuế TNDN và TNCN, còn gián thu là thuế GTGT (VAT). Trong đó, thuế trực thu có xu hướng điều chỉnh giảm còn gián thu tăng. “Với xu thế này tôi hoàn toàn tán thành vì ít nhất không tác động tiêu cực đến cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, khi có áp lực giảm thuế trực thu thì rõ ràng sẽ có tác động lên thuế gián thu” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo ông, việc tăng thuế gián thu có nhiều cách lựa chọn, kể cả điều chỉnh về quy mô và cơ cấu trong tổng thu thuế và phí. Thứ nhất, hoàn toàn có thể căn cứ vào Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị là mở rộng đối tượng chịu thuế hay diện thu thuế, đây là chủ trương khá rõ ràng trong dự thảo luật này, như liên quan thuế GTGT, thuế thuế TTĐB... Thứ hai là giảm các ưu đãi hỗ trợ không thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba là chống thất thu vì thất thu thuế không chỉ ảnh hưởng đến quy mô thu ngân sách mà còn tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc các quy định về thuế với các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc, trốn thuế, lậu thuế.

“Lựa chọn cuối cùng mới là điều chỉnh thuế suất. Trong điều chỉnh thuế suất, chúng ta có hai lựa chọn, thứ nhất là giảm thuế TNDN để tăng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, thứ hai là tăng thuế VAT. Tuy nhiên, tôi cho rằng lựa chọn điều chỉnh thuế suất là lựa chọn rất nhạy cảm tác động đến xã hội rất lớn. Do đó phải tính toán kỹ mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh và quan trọng nhất là căn cứ, lý do điều chỉnh” – TS Vũ Đình Ánh nói.

Theo chuyên gia này, việc điều chỉnh 5 luật thuế lần này cần phải có đánh giá tác động một cách kỹ càng. “Một luật quan trọng điều chỉnh cả 5 luật thuế như thế này thì càng phải đánh giá tác động một cách kỹ càng, kể cả đánh giá tác động đến kinh tế xã hội, đến từng nhóm dân cư, từng nhóm thu nhập, kể cả các cân đối kinh tế vĩ mô như lạm phát, tổng thu NSNN, kể cả năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp...