- VCCI: Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nên xem xét từ năm 2028
- Đề xuất cân nhắc lộ trình tăng thuế thuốc lá để tránh "sốc"
- Đề xuất tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, rượu bia
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 năm nay.
Theo Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu, bia theo hai phương án.
Cụ thể, đối với rượu từ 20 độ trở lên, Phương án 1 là từ năm 2026 áp dụng mức thuế suất 70%, tăng lần lượt 5% mỗi năm để đến năm 2030 thuế suất là 90%. Phương án 2 là từ năm 2026 áp dụng thuế suất 80% và cũng tăng 5% mỗi năm lên 100% vào năm 2030.
Tương tự, với rượu dưới 20 độ, Phương án 1 là thuế suất 40% vào năm 2026 và tăng lên 60% vào năm 2030. Phương án 2, thuế suất tương tự là 50% vào năm 2026 và tăng lên 70% năm 2030.
Đối với mặt hàng bia, Phương án 1, thuế suất là 70% vào năm 2026 và tăng lên 90% vào năm 2030. Phương án 2 là 80% năm 2026 và tăng lên 100% vào năm 2030.
![]() |
Bộ Tài chính đề xuất phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu theo hướng đỡ sốc hơn |
Tính toán của Bộ Tài chính, với Phương án 1, giá bán bia, rượu năm 2026 sẽ tăng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Đối với Phương án 2: Giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất chọn Phương án 2. Tuy nhiên, thông tin mới đây, Bộ này đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội Phương án 1, đồng thời giãn lộ trình áp dụng để giảm sốc cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, vừa qua, Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng, tác động mạnh đến kinh doanh cũng như tâm lý của các doanh nghiệp và của cả Việt Nam, các nước trên thế giới.
Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính có nghiên cứu báo cáo với Chính phủ xem xét một số vấn đề về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Chính phủ đã lấy phiếu thành viên để điều chỉnh phương án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, để Bộ Tài chính giúp cơ quan Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về nội dung cần thiết điều chỉnh phương án.
Sau khi được Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội một số nội dung:
Một là, giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng trong dự thảo luật, trong đó có mặt hàng bia, rượu. Trước đây, Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng thuế là Phương án 2, thì hiện nay để “đỡ sốc”, Chính phủ đề xuất thực hiện theo Phương án 1 đã trình trước đây.
Hai là, có thể giãn bớt lộ trình chưa thực hiện từ năm 2026, mà thực hiện từ năm 2027.
“Hiện Ủy ban Kinh tế và Tài chính sẽ tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phương án để đưa vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới”, ông Lưu Đức Huy thông tin.