Tăng thẩm quyền trách nhiệm công an xã, nâng hiệu quả, hiệu lực phòng chống tội phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự vừa đưa ra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, một trong những nội dung được đông đảo đại biểu và nhân dân quan tâm, đồng thuận là việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã tương đương với công an phường, thị trấn.
Lực lượng Công an xã chia sẻ giúp đỡ bà con nhân dân trong mùa dịch

Lực lượng Công an xã chia sẻ giúp đỡ bà con nhân dân trong mùa dịch

Bổ sung trách nhiệm cho công an xã là phù hợp

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, thực hiện quy định của pháp luật, hiện nay, tất cả công an xã đã được tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, đã và đang góp phần hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang diễn ra phức tạp, phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, khoản 3, Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) 2015 chưa quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, thị trấn… dẫn đến công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy; không kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho CQĐT công an cấp huyện ở các địa phương. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (KSNDTC) đã đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an).

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Viện KSNDTC và nhận thấy, quy định tại khoản 3, Điều 146 BLTTHS phân biệt trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an khác với trách nhiệm của công an xã do tại thời điểm xây dựng Bộ luật TTHS 2015, công an xã chưa được bố trí chính quy như hiện nay.

Tuy nhiên, trên cơ sở quy định mới của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bộ Công an đã triển khai Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của công an xã giống như công an phường, thị trấn, đồn công an là phù hợp và cần thiết. Đồng thời, xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành về vị trí, vai trò của công an xã chính quy và căn cứ điều kiện thực tiễn thì việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.

Lực lượng Công an xã phục vụ người dân tại các khu cách ly

Lực lượng Công an xã phục vụ người dân tại các khu cách ly

Công an xã xử lý 60% tin báo tố giác tội phạm

Về việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã tương đương với công an phường, thị trấn, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, xã, phường đứng về mặt hành chính là ngang nhau, nhưng hiện quy mô công an phường, thị trấn rất lớn. Mặc dù quy mô của xã chỉ bằng 1/5 của phường, nhưng thực tế có nhiều xã phức tạp hơn, như những xã đang đô thị hóa, xã ven đô, xã vùng sâu, vùng xa. Có những xã chỉ đi trong địa bàn cũng gần trăm cây số.

Chiều 12-11, với 466/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,39% số đại biểu có mặt, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó Quốc hội đã chính thức quyết định giao thêm trách nhiệm cho công an xã trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm (khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3m Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, gần 2 năm qua Bộ Công an đã điều động khoảng 45.000 cán bộ, chiến sỹ công an chính quy xuống 100% xã, đạt tỷ lệ trung bình 5,2 công an chính quy/xã. Có xã 5 người, có xã 7-8 người, cũng có xã thuộc huyện Bình Chánh (TP.HCM) phải cần đến 50 người vì ở đó có tới 2.000 khách sạn, 130.000 dân, gần bằng nửa tỉnh khác. Ngoài ra, trong số cán bộ công an chính quy, trên 50% có trình độ đại học, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan điều tra hình sự.

Vừa qua, Bộ Công an đã tiếp tục tăng cường gần 400 cán bộ xuống các xã biên giới, đây là nơi mà những vấn đề liên quan đến an ninh, biên giới, tôn giáo, dân tộc, dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp. “Từ 1-10-2017 đến tháng 6-2021, công an xã đã xử lý hơn 283.000 tin báo tố giác tội phạm (chiếm trên 60%), chủ yếu những vụ việc xảy ra ở địa bàn cơ sở như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Nếu không phân cấp cho công an xã sẽ rất khó khăn, bởi những vấn đề này cần giải quyết từ sớm, từ xa, nếu kéo dài thời gian giải quyết có thể dẫn đến một vụ án hình sự khác” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, trung bình 1 đồng chí công an xã chính quy tiếp nhận 0,84% tố giác, tin báo tội phạm/năm; Công an phường, thị trấn tiếp nhận 1,3%/năm. Khi sắp xếp lại, đưa cán bộ tăng cường xuống xã thì Bộ Công an không tăng biên chế mà chỉ tính toán trong nội bộ. Về cơ sở vật chất, Bộ Công an sẽ phối hợp với các địa phương để đảm bảo đội ngũ công an xã được chăm lo, định hướng, phân công, phân cấp đảm nhiệm những công việc ở xã một cách tốt nhất...

Năng lực chuyên môn của công an xã hoàn toàn có thể đáp ứng được

Làm rõ việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã tương đương với công an phường, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động gây khó khăn trong hoạt động của xã hội nói chung và trong quá trình xử lý các tình huống, những sự kiện liên quan đến tội phạm ở dưới cơ sở. Thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường lực lượng công an chính quy về công an xã. Lực lượng này về mặt năng lực, chuyên môn có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay, song trong luật mới chỉ có công an phường và đồn công an được xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm mà không có công an xã.

Việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã tương đương với công an phường, thị trấn để cho năng lực của nguồn nhân lực này được phát huy, nhằm giải quyết được ngay tại chỗ những tình huống nếu giải quyết tốt từ cơ sở sẽ giảm tải áp lực công việc cho lực lượng công an huyện hiện đã quá tải. Bên cạnh đó, dịch bệnh, thiên tai làm phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có tội phạm. Việc tăng cường lực lượng dưới cơ sở để giải quyết ngay, góp phần cho việc ổn định an ninh trật tự cả trước mắt lẫn lâu dài.

Về băn khoăn liên quan đến năng lực của nguồn nhân lực này, theo Viện trưởng Lê Minh Trí, thời gian tới chúng ta vẫn phải tiếp tục tính toán, kể cả về nhân sự, về mặt tái đào tạo và đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất cho công an xã.“Khi công an xã được bổ sung trách nhiệm tương đương công an phường thì Viện Kiểm sát cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm sát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ của công an xã như với công an phường để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật” - Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Hiện, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đây là dữ liệu gốc rất chính xác, với thông tin của gần 100 triệu công dân đã được số hóa, bổ sung, cập nhật hàng ngày từ cơ sở trở lên, được thu thập bởi hơn 50.000 cán bộ cảnh sát khu vực, công an xã chính quy trên toàn quốc. Điều này cho thấy, việc thực hiện chủ trương chính quy công an xã của lực lượng công an thời gian qua là rất đúng đắn, vô cùng cần thiết. Lực lượng này cần được củng cố, tăng cường trong thời gian tới.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội

Đại tá Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình: Công an xã là lực lượng thường trực gần dân nhất

Việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng bổ sung nhiệm vụ của công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là hết sức cần thiết, phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân và yêu cầu thực tiễn hiện nay. Theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, công an xã là một cấp trong hệ thống tổ chức bộ máy của Công an nhân dân, có vị trí, vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm. Đây là lực lượng thường trực gần dân nhất, nắm, tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất khi có những vụ việc liên quan an ninh, trật tự xảy ra ở cơ sở, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu, vật chứng, phối hợp truy bắt thủ phạm…

Hiện nay, 100% xã đã được bố trí công an chính quy với khoảng 45.000 cán bộ, chiến sỹ được điều động, bố trí đảm nhiệm chức danh công an xã. Như vậy, nguồn nhân lực là rất lớn, đủ khả năng để đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ của công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tương đương như công an phường, thị trấn. Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song lực lượng công an xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở cơ sở, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Vì vậy, việc bổ sung nhiệm vụ này cho công an xã là rất cần thiết, đúng đắn và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Bổ sung trách nhiệm của công an xã không mâu thuẫn với Luật CAND

Thời gian qua, lực lượng công an xã đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 1 của Luật Công an nhân dân, trong đó có những quy định chung về việc tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm. Do Luật Công an nhân dân không quy định nhiệm vụ cụ thể của công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nên việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ về tố giác, tin báo về tội phạm đối với lực lượng công an xã tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 là không mâu thuẫn với quy định của Luật Công an nhân dân và Pháp lệnh Công an xã trước đây.

Ông Lương Văn Hùng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi: Xử lý kịp thời các vụ việc tại địa bàn xã

Tôi tán thành việc sửa đổi khoản 3, Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự ngay trong kỳ họp này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những khó khăn do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, việc bổ sung trách nhiệm cho công an xã nhằm phát huy nguồn lực của lực lượng này nhằm kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn các xã ngay sau khi tiếp nhận tin tố giác, tin báo về tội phạm, giúp làm giảm tải cho cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện khi đã thực hiện việc điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ xuống cấp xã, đồng thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bố trí công an xã chính quy đảm nhận các chức danh công an xã theo quy định của pháp luật hiện nay.