Tăng nhiệt "thùng thuốc súng" ở vùng Vịnh

ANTD.VN - Căng thẳng tại vùng Vịnh đang ngày càng tăng nhiệt khi bên cạnh những động thái “động binh” đầy nguy hiểm, Mỹ và Iran cũng đồng thời không ngừng gia tăng khẩu chiến.

Tăng nhiệt "thùng thuốc súng" ở vùng Vịnh ảnh 1Biên đội tàu sân bay tác chiến USS Abraham Lincoln đến vùng Vịnh khi căng thẳng với Iran đang leo thang

Tờ Thời báo New York ngày 13-5 dẫn một nguồn tin quân sự cho biết Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã trình bày một kế hoạch quân sự chống lại Iran tại một cuộc họp của các trợ lý an ninh hàng đầu của Tổng thống Donald Trump. Theo kế hoạch này, Washington sẽ điều 120.000 binh sĩ đến Trung Đông nếu Iran tấn công lực lượng Mỹ hoặc đẩy nhanh tiến độ phát triển vũ khí hạt nhân. 

Dù cả tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Người phát ngôn của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng từ chối bình luận về thông tin trên tờ Thời báo New York, song kế hoạch quân sự chống Iran được tiết lộ khi mà Lầu Năm góc đã có những động thái “động binh” rõ rệt tại vùng Vịnh. Một biên đội máy bay ném bom chiến lược gồm 4 chiếc “pháo đài bay” B-52H Stratofortress mới đây đã đáp xuống một căn cứ không quân của Mỹ ở Qatar để lần đầu tiên tham gia tập trận tại khu vực. Ngày 13-5, Không quân Mỹ cũng công bố hình các tiêm kích F-35A Lightning II và  F-15C Eagle thực hiện sứ mệnh bay “răn đe” khi được tiếp nhiên liệu từ máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker.

Trước đó, quân đội Mỹ triển khai lực lượng, bao gồm nhóm tàu sân bay tác chiến USS Abraham Lincoln, tàu vận tải đổ bộ USS Arlington mang theo các hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot… đến Trung Đông để đối phó với Iran. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố, các hành động này của Mỹ là lời đáp trả trước một loạt những “dấu hiệu và cảnh báo liên quan tới khả năng tấn công từ Iran”.

Phía Iran đã bác bỏ các cáo buộc trên của Mỹ và cho rằng đây là hành động chiến tranh tâm lý của Washington. Giới chức quân sự cấp cao của Iran lên án điều mà họ cho là sự đe dọa nghiêm trọng về quân sự của Mỹ khi điều tàu sân bay với ít nhất    40-50 máy bay và 6.000 binh sĩ đến uy hiếp, song cũng cứng rắn tuyên bố sẽ “đánh vào đầu họ”.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã bùng phát và tăng nhiệt nhanh chóng ngay sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 8-5 vừa tuyên bố trong vòng 60 ngày, nước này sẽ đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này đã ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), dù vẫn duy trì tuân thủ văn kiện. Động thái này của Iran được xem là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sau khi Washington rút khỏi JCPOA hồi tháng 5-2018.

Cả Mỹ và Iran cùng nhau leo thang căng thẳng đã khiến dư luận không chỉ vùng Vịnh mà thế giới lo ngại sâu sắc. Càng đáng lo hơn khi chính những người trong cuộc như Tổng thống Hassan Rouhani đã phải lên tiếng kêu gọi tất cả các phe phái chính trị tại Iran phải đoàn kết để đối mặt với một giai đoạn mà ông cho rằng còn “khó khăn hơn cả thời kỳ chiến tranh 1980-1988 với Iraq”.

Hạ nhiệt tình hình căng thẳng tại vùng Vịnh đang là một đòi hỏi cấp bách. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Brussels (Bỉ) ngày 13-5 đã kêu gọi các bên “kiềm chế tối đa và tránh leo thang quân sự”. Nhóm 3 nước gồm Anh, Pháp, Đức khi tiến hành cuộc họp đặc biệt nhằm thảo luận về vấn đề Iran diễn ra cùng ngày 13-5 cũng đã mong muốn các cường quốc không làm leo thang thêm căng thẳng để tránh “vô tình” làm bùng phát xung đột.