Tăng nguy cơ suy thận từ thuốc nam?

ANTĐ - Mới đây thông tin được đưa ra trong một cuộc hội thảo ngành y về việc sử dụng thuốc nam có thể làm nặng thêm tình trạng suy thận đã làm không ít người lo lắng. Bởi xưa nay, thuốc đông y được coi là vô hại vì chế biến hoàn toàn từ các loại cây cỏ có trong tự nhiên.

Ngay sau cuộc hội thảo, một số báo đã giật những cái title như “Uống thuốc nam làm nặng thêm suy thận”, “Suy thận không được uống thuốc nam”… khiến không ít người hoang mang. Theo lý giải của các bác sĩ tại hội thảo này thì thận là cơ quan đào thải kali chủ yếu của cơ thể. Trong khi đó ở các loại cây cỏ, thảo dược khô có hàm lượng kali cao. Mà khi thận bị suy sẽ không thể đảm đương việc thải lọc kali nên hậu quả là nồng độ chất này trong cơ thể tăng cao khi bệnh nhân sử dụng thảo dược. Với những bệnh nhân suy thận, nồng độ kali từ trên 5mmol/l đã là mức độ nguy hiểm, gây rối loạn nhịp tim, ngưng tim, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. 

Để tìm hiểu thêm về thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với Lương y Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội). Theo Lương y Nguyễn Hồng Siêm thì hiện nay chưa có một tài liệu nghiên cứu nào đánh giá về hàm lượng kali trong các loại thuốc nam. “Thuốc nam có hàng nghìn vị, có vị ít kali, có vị nhiều kali chứ không phải loại thảo dược nào cũng có hàm lượng kali cao. Rất nhiều bài thuốc nam có lợi cho thận, giúp tăng cường chức năng thận, làm tăng đào thải ure trong máu, đã được chứng minh là hỗ trợ điều trị suy thận rất tốt. Muốn khẳng định thuốc nam có ảnh hưởng đến bệnh suy thận không, theo tôi nên có một công trình nghiên cứu cụ thể”.

Dù vậy, lương y Nguyễn Hồng Siêm khuyên bệnh nhân suy thận: “Khi có bệnh muốn dùng thuốc nam thì người bệnh nhất thiết phải tìm đến các phòng khám đông y uy tín, có giấy phép của Sở Y tế cấp. Vì ít nhất đây cũng là những cơ sở mà đội ngũ thầy thuốc được đào tạo bài bản. Tránh uống các loại thuốc nam linh tinh, vì thực tế có loại thuốc tốt cho thận, có loại không tốt cho thận chứ không phải cứ nghĩ thuốc bổ, không có hại thì dùng bừa bãi”.

Đồng quan điểm, BS Hoàng Sầm (Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam) cũng cho rằng việc tăng kali máu có thể do nhiều nguyên nhân, có thể do ăn uống thực phẩm giàu kali quá mức, dịch truyền, thuốc tiêm có chứa nhiều muối kali, tan máu, tắc nghẽn đường dẫn liệu, hội chứng tiêu cơ vân, thiếu Mineralocoticoide; hoặc do một số loại thuốc cũng có thể làm tăng kali máu… Còn việc sử dụng thuốc đông y, hiên nay có nhiều người tự ý điều trị hoặc chữa bệnh theo kiểu mách nhau, truyền miệng kinh nghiệm hay lên mạng đọc là không nên. 

Việt Nam có khoảng 5 triệu người bị suy thận. Mỗi năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới được phát hiện và bệnh ngày càng có xu hướng tăng lên. Vì thế, để phát hiện bệnh thận sớm cần đi khám sức khỏe định kỳ. Những người đã mắc bệnh thì cần tuân thủ điều trị để bệnh không tiến triển nặng hơn dẫn đến việc phải chạy thận nhân tạo, ghép thận. “Tám nguyên tác vàng” để phòng chống bệnh thận, bao gồm: Hoạt động thể lực phù hợp; Kiểm soát đường huyết; Theo dõi huyết áp; Chế độ ăn phù hợp và kiểm soát cân nặng; Uống lượng nước thích hợp; Không hút thuốc lá; Dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ; Kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ.