Tăng mức xử phạt gấp đôi: "Cây xăng mini" sẽ bị xóa sổ?

ANTĐ - Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng, đo lường xăng dầu song “cây xăng” mini vẫn tồn tại lâu nay. 

Lực lượng chức năng từng phát hiện vi phạm tại một cơ sở sản xuất cột bơm xăng mini tại Hà Nội

Với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, hành vi bán xăng dầu qua các thiết bị tự phát này sẽ bị tăng mức xử phạt lên gấp đôi so với hiện hành. 

Hơn 5 năm trước, các cột bơm xăng mini đã xuất hiện tại Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước. Những bất cập từ thiết bị bán xăng này đã được cảnh báo nhưng đến nay, các “cây xăng” này vẫn tồn tại. Tại nhiều tuyến phố của Hà Nội như: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Xiển… hay các tuyến đường nhỏ trong khu dân cư, cột bơm xăng mini vẫn được duy trì.

Có cột bơm xăng mini này tại đường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), chị Nguyễn Thị Sửu cho biết: “Cây xăng mini rất tiện lợi. Ở đây cách cây xăng khá xa, khách hết xăng có thể mua luôn thay vì phải dắt bộ, nhất là nắng nóng thế này”. Người bán hàng này cho hay, đa số khách hàng mua xăng tại đây trong tình huống “bất khả kháng”, xe đã cạn xăng không thể đi được nữa. Mỗi ngày, cột bơm mini này bán được ít nhất 10 lít xăng, mỗi lít chênh lệch với giá niêm yết tại cây xăng 3.000 đồng.

Từng mua xăng từ cột bơm mini, anh Hoàng Văn Tùng (trú tại Mai Dịch- Cầu Giấy) cho biết: “Tôi có mua xăng từ cột bơm mini nhưng chỉ mua 1 lít, đủ để đến cây xăng thôi. Giá bán cao, mà chất lượng xăng không biết thế nào, rồi cả đo lường nữa, mua 1 lít chắc chỉ được 0,8 lít. Nhiều người đã thử kiểm chứng các cột bơm này cho thấy họ bị thiếu xăng”.

Thực tế cho thấy, các cột bơm xăng mini không hề có kẹp chì hay bất cứ chứng nhận nào để đảm bảo đo lường. Chưa kể, chất lượng xăng cũng đặt ra nhiều nghi vấn bởi bằng mắt thường, người mua không thể biết xăng đảm bảo chất lượng hay không. Thêm vào đó, các cột bơm xăng mini cũng nhiều lần được cảnh báo về nguy cơ gây cháy nổ, mất an toàn.

“Vào những ngày trời nắng nóng, áp suất trong bình chứa xăng tăng, xăng tự động đùn lên bình thủy tinh và bốc hơi mắt thường cũng nhìn thấy rất dễ gây cháy nổ. Trong khi đó, các cây xăng mini này lại đặt ngay tại cửa hàng của gia đình xung quanh có người sinh sống nhưng không trang bị bình cứu hỏa hoặc các điều kiện để cứu hỏa. Vì vậy khi gây ra cháy nổ sẽ gây thiệt hại lớn đến tài sản và nguy hiểm đến tính mạng của con người”- một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu nói. Tuy nhiên, vì sự tiện dụng, cây xăng mini vẫn tồn tại.

Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, từ năm 2017, hành vi nêu trên sẽ bị tăng gấp đôi mức xử phạt, tức là từ 2-4 triệu đồng. Dự thảo này cũng phân công trách nhiệm kiểm tra, xử lý cho các lực lượng có liên quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả từ việc tăng mức xử phạt này trên thực tế còn phụ thuộc vào công tác kiểm tra, xử lý vi phạm có thường xuyên, hiệu quả hay không.