Tăng mức thu bảo hiểm, thị trường lao động giảm cạnh tranh?

ANTD.VN - Doanh nghiệp trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng, nếu tính trên tỷ lệ đóng góp thực tế của doanh nghiệp về BHXH thì Việt Nam là quốc gia có mức đóng cao nhất trong khu vực.

Tăng mức thu bảo hiểm, thị trường lao động giảm cạnh tranh? ảnh 1BHXH cam kết tháo gỡ vướng mắc về các chế độ chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Vướng từ chính sách đến thủ tục

Tại Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với doanh nghiệp FDI, bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng cấp cao, Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty Canon Việt Nam cho biết, hiện nay mức đóng BHXH hàng tháng của doanh nghiệp cho người lao động là 22%. Tỷ lệ đóng BHXH của người dân và doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực ASEAN. Cụ thể, mức đóng BHXH và kinh phí công đoàn/người lao động của doanh nghiệp năm 2016 của Lào là 110USD/tháng, Myanmar là 64USD/tháng, còn Việt Nam là 154USD/tháng.

Mặt khác, từ đầu năm 2018, việc đóng BHXH sẽ dựa trên tổng thu nhập của người lao động gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung. Quy định này được cho là không hợp lý và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, làm phát sinh chi phí nhân sự và thủ tục hành chính để thực hiện công tác thống kê tổng thu nhập của người lao động do số tiền này thường biến động theo năng suất, sản lượng của người lao động hàng tháng. Không những thế, bảo hiểm y tế đang kiến nghị tăng tỷ lệ đóng từ năm 2019. Nếu mức đóng gia tăng, doanh nghiệp sẽ thêm gánh nặng đồng thời tăng chi phí nhân công. Như vậy, tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam sẽ giảm so với các nước khác trong khu vực. 

Nói về khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHXH, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) cho rằng, nhiều thủ tục BHXH vẫn còn nhiêu khê. Việc cơ quan quản lý Nhà nước chưa ban hành văn bản hoặc ban hành muộn các văn bản hướng dẫn (quy định về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quy định về căn cứ đóng BHXH, chế độ thai sản cho nam giới…) gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện.

Đồng quan điểm với bà Trần Thị Lan Anh, đại diện quản lý nhân sự Công ty Nippon cho rằng, việc chi trả chế độ ốm đau thai sản của BHXH rất muộn, nhiều nơi kéo dài tới 6 tháng, người lao động mới được nhận. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp chậm nộp đóng BHXH thì bị phạt lãi chậm nộp. 

Đảm bảo sự thụ hưởng của người lao động

Giải đáp những vướng mắc liên quan đến mức đóng BHXH của các doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không phải Việt Nam đóng tiền bảo hiểm cao hơn các nước, chỉ cao hơn xét về mặt số tương đối, tức là tỷ lệ. Còn nếu so về số tuyệt đối thì quá trình tham gia chính sách BHXH của người lao động Việt Nam là thấp hơn các nước vì người lao động Việt Nam hiện nay đang có mức thu nhập thấp. 

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ phương án giảm tỷ lệ 1% tiền đóng vào hai quỹ bảo hiểm thất nghiệp và tai nạn nghề nghiệp do hai quỹ này có kết dư lớn. Nếu phương án được chấp nhận, sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp tương đương 4.500 tỷ đồng/năm.

Mục tiêu cuối cùng của Việt Nam là cải tổ hệ thống hưu trí, khuyến khích người dân tham gia BHXH đảm bảo an sinh xã hội. Đảm bảo an sinh xã hội trách nhiệm chính là của Nhà nước nhưng cộng đồng, người lao động, doanh nghiệp cũng phải tham gia. Do đó, doanh nghiệp FDI cũng cần chia sẻ với Việt Nam về chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động.

Thừa nhận những vướng mắc nêu trên, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, năm 2015, thời gian thực hiện kê khai nộp bảo hiểm giảm từ 235 giờ xuống còn 81 giờ. Trong 6 tháng đầu năm 2016, thời gian thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục giảm xuống còn 48,5 giờ.

Nhằm tạo sự thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện chế độ chính sách, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH sẽ triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; ban hành quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, số thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH.