Tăng mạnh mức phạt vi phạm hành chính về thủ tục thuế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP (Nghị định 125) về xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn, trong đó, có điều chỉnh tăng mức xử phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục hành chính thuế.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ năm 2014 đến năm 2018, số vụ vi phạm về thủ tục thuế tăng mạnh theo từng năm. Nếu như năm 2014, có 34.837 vụ vi phạm thủ tục thuế và 10.557 vụ vi phạm về hóa đơn, thì đến năm 2017, con số tương ứng là 103.381 và 27.535; năm 2018 là 192.174 và 45.513 vụ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mức phạt tiền thấp nên chưa đảm bảo tính phòng ngừa, chưa đủ nghiêm khắc để người nộp thuế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với nghĩa vụ đăng ký thuế và khai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế.

Để hoàn thiện chế tài xử phạt, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ và tự giác chấp hành pháp luật về thuế của người nộp thuế, đồng thời đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử phạt vi phạm hành chính thuế và hóa đơn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125 có hiệu lực từ 05/12 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Chế tài xử phạt với hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế sắp tăng nặng

Chế tài xử phạt với hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế sắp tăng nặng

Theo đó, về cơ bản, các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung một số điểm để phù hợp với Luật Quản lý thuế 2019, tuy nhiên, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm thủ tục thuế được điều chỉnh tăng cao hơn trước. Nghị định 125 cũng quy định chi tiết hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế, mức phạt tiền cụ thể đối với hành vi trốn thuế cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Cụ thể Nghị định quy định rõ: các vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn và vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.

Với nhóm hành vi vi phạm thủ tục thuế mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng và mức tối đa là 25 triệu đồng. Trong đó, mức phạt tiền sẽ tăng mạnh đối nhóm hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế, chậm nộp hồ sơ khai thuế.

Cụ thể: trường hợp vi phạm về thời hạn đăng ký thuế; thời hạn thông báo ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước hạn với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 7 triệu đồng.

Đối với nhóm hành vi khai sai, khai không đầy đủ nội dung trong hồ sơ khai thuế nhưng không dẫn tới thiếu số thuế phải nộp có mức phạt tiền tối thiểu là 500.000 đồng, mức phạt tiền tối đa là 12 triệu đồng.

Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế bị sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng. Hành vi khai sai không dẫn đến thiếu thuế hoặc hành vi thuộc trốn thuế nhưng chưa gây hậu quả bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

Đối với nhóm hành vi chậm nộp hồ sơ thuế có mức phạt tiền tối thiểu là 2 triệu đồng, mức tối đa là 25 triệu đồng, tăng mạnh so với mức phạt trung bình hiện hành

Cụ thể, hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế từ 1 đến 30 ngày sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Đối với hành vi chậm nộp từ trên 30 ngày mức xử phạt từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày thuộc hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào NSNN trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra hoặc trước khi lập biên bản thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng bị xử phạt với mức tiền phạt từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Nghị định quy định chi tiết về mức phạt tiền đối với hành vi trốn thuế theo tiêu chí tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và phù hợp với nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể: phạt 1 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế có từ 1 tình tiết giảm nhẹ trở lên; phạt 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng. Đối với các trường hợp trốn thuế có tình tiết tăng nặng sẽ bị phạt từ 2 đến 3 lần.