Tăng học phí, cấm lạm thu

ANTD.VN - Ngày 9-8, trả lời báo chí tại cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức về mức thu học phí mới năm học 2016-2017, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, bên cạnh việc tăng học phí, Hà Nội sẽ có các biện pháp tránh lạm thu qua kiểm tra các khoản thu ngoài học phí.

Hà Nội tăng chi cho giáo dục trong năm học mới

Học phí chỉ đủ trả 7% các khoản chi 

Năm học mới 2016-2017, Hà Nội sẽ áp dụng học phí mới với mức tăng cao nhất với khu vực thành thị là 20.000 đồng/tháng, khu vực nông thôn là 10.000 đồng và miền núi là 2.000 đồng. Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, mức học phí trong năm học 2015-2016 là mức thu thấp nhất trong khung quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Với mức thu này, cả năm, thành phố thu được khoảng 287,5 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 6,7% tổng chi phí trực tiếp của ngành giáo dục. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước cấp chi theo định mức cho học sinh là 4.028,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT khẳng định, nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần, cùng ngân sách Nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập.

Về chính sách miễn giảm học phí, số đối tượng miễn 25.567 học sinh và giảm là 16.138 học sinh, chiếm 3,7% tổng số học sinh toàn thành phố. Kinh phí thực hiện chính sách miễn giảm khoảng 8,7 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương.

Kinh phí còn lại 60% nguồn thu học phí được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập. Do đó, các đơn vị đều gặp hạn chế về nguồn lực hỗ trợ các cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đối với 22 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập, năm học này, Hà Nội áp dụng mức thu học phí bằng mức trần đối với các đơn vị chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Mức thu cao nhất là 790.000 đồng/tháng của Đại học Thủ đô Hà Nội với ngành thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, khách sạn, du lịch… Khối cao đẳng Y dược có mức thu cao nhất là 780.000 đồng/tháng.

Riêng 2 trường trung cấp tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên được thu ở mức cao nhất là 800.000 đồng/tháng, thấp nhất là 650.000 đồng/tháng. Ông Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, nguồn thu học phí mới sẽ tập trung chi vào chính sách thu hút nhân tài và tăng cường cơ sở vật chất phù hợp với cơ sở giáo dục đại học. Mức thu này cũng chỉ đáp ứng một phần tổng chi của trường và vẫn cần ngân sách của thành phố để đến năm 2020 sẽ tự chủ hoàn toàn.

Siết chặt các khoản thu

Trước lo ngại có thể xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học nếu không có biện pháp ngăn chặn, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trong ngày 10-8, Sở sẽ nhắc nhở các trường thực hiện đúng các khoản thu ngoài học phí theo quy định của  thành phố.

“Bước vào năm học mới, Sở sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện thu chi của các trường. Thực tế, học phí dù tăng và có hỗ trợ của ngân sách Nhà nước thì thu vẫn không đủ bù chi trong các trường công lập. Vì thế, có nơi sẽ bám vào lý do này để thu thêm. Sở sẽ chấn chỉnh ngay từ đầu năm học” – ông Lê Ngọc Quang khẳng định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo ANTĐ về việc các trường vẫn lo học phí tăng không đủ để đầu tư cơ sở vật chất, dẫn tới việc phải thu thêm của phụ huynh học sinh, ông Lê Ngọc Quang cho biết, sau khi tăng học phí, Hà Nội dự kiến sẽ tăng thêm nguồn thu khoảng 112 tỷ đồng. Chia cho gần 2.000 trường học, con số này không phải là nhiều.

Tuy nhiên, cùng với việc tăng học phí, Hà Nội sẽ rà soát và cân đối lại định mức ngân sách chi cho đầu học sinh theo hướng tăng lên nhằm hỗ trợ các trường có thêm nguồn thu đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động dạy, học. “Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang tăng cường xã hội hóa để tập trung cải thiện khu vệ sinh trong trường học. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cam kết minh bạch các khoản chi để người dân nắm được tại tất cả các cơ sở giáo dục” – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin.