Tăng giờ làm thêm: Thận trọng, tránh lạm dụng sức lao động

ANTD.VN - Trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, nhiều doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh quy định về thời gian là thêm giờ theo hướng tăng tới trần giới hạn. Tuy nhiên, Phó ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, quy định hiện nay là phù hợp, đảm bảo được cả sức khỏe của người lao động và mối tương quan với giờ làm việc chính thức.

* Lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến 

Tăng giờ làm thêm: Thận trọng, tránh lạm dụng sức lao động  ảnh 1

Quỹ thời gian làm việc tối đa của người lao động Việt Nam nằm trong nhóm nước có giờ làm việc, làm thêm cao

Không cho vẫn làm

Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, số giờ làm thêm của người lao động không quá 4 giờ/ngày; 1 tháng không quá 30 giờ và 1 năm không quá 200 giờ, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định và số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Mặc dù, quy định của pháp luật đã khống chế thời gian làm thêm, nhưng trong quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng nhận thấy, tình trạng làm thêm vượt quá số giờ quy định là khá phổ biến.

Lý giải nguyên nhân sai phạm, nhiều doanh nghiệp dệt may, chế biến thủy hải sản phản ánh, do làm hàng xuất khẩu nên thường bị động về mặt thời gian. Vào những dịp cao điểm, cần giao hàng gấp, doanh nghiệp bắt buộc phải tăng ca nhưng với quỹ thời gian làm thêm ít, tất yếu sẽ vi phạm quy định về số giờ làm thêm.

Không chỉ doanh nghiệp kiến nghị tăng thời gian làm thêm, không ít người lao động khi được hỏi cũng trả lời muốn tăng ca để tăng thêm thu nhập. Ông Lê Đình Quảng cho rằng: “Nguyên nhân của thực trạng trên là do nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương bằng mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định nên công nhân “cực chẳng đã” phải chọn tăng ca.Tăng ca đồng nghĩa sẽ có thêm bữa ăn chiều tại công ty, tăng thêm thu nhập, giảm thời gian sử dụng điện, nước, nhà trọ… nên hầu hết người lao động đều chấp nhận việc làm thêm mà bỏ qua vấn đề quyền lợi và sức khỏe của mình”. 

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có tới 75,5% người lao động phải làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống. Trong khi đó, nếu tiền lương đáp ứng được nhu cầu trang trải cuộc sống, công nhân lao động không vướng vào vòng luẩn quẩn cơm - áo - gạo - tiền thì rất ít người còn nhu cầu làm thêm giờ.

Quy định một cách linh hoạt

Bàn về việc tăng giới hạn thời giờ làm thêm, các doanh nghiệp đưa ra rất nhiều lý do để kiến nghị như: quy định số giờ thấp hơn các nước trong khu vực, năng suất lao động chưa cao phải làm thêm mới đáp ứng được việc sản xuất… Song các chuyên gia lao động cho rằng, tình trạng làm việc theo dây chuyền hiện nay khiến nhiều lao động suy kiệt sức khỏe khi tuổi đời còn khá trẻ.

Nếu thời gian làm thêm tăng dần đều, sẽ đồng nghĩa với việc người lao động không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, chất lượng cuộc sống không đảm bảo. Bên cạnh đó, khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm, cơ quan soạn thảo cần phải xét nhiều yếu tố, đặc biệt là giờ làm thêm phải gắn với giờ làm việc.

Thực tế, tổng số giờ làm thêm trong năm ở nước ta có thể thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng quỹ thời gian làm việc tối đa của người lao động lại bằng, thậm chí cao hơn so với các nước trong khu vực. 

Không đồng tình với đề xuất tăng mức trần giới hạn số giờ làm thêm nhưng để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi có chu kì sản xuất đột xuất như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, ông Lê Đình Quảng cho rằng, dự luật sửa đổi có thể xem xét quy định về thời giờ làm thêm một cách linh hoạt, bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng.

Tuy nhiên, để tránh việc doanh nghiệp lạm dụng sức lao động cần bổ sung quy định lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến theo số giờ làm thêm. 

Với đề xuất nới lỏng quy định thời giờ làm thêm của nhiều doanh nghiệp, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của các bên liên quan.

Quy định về thời giờ làm thêm hiện đang được bộ phận kỹ thuật thảo luận song tới nay chưa thống nhất được phương án. Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật lao động về số giờ làm thêm sẽ được xem xét một cách linh hoạt theo hướng đảm bảo sự phát triển hài hòa của quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và chủ sử dụng lao động.