Tăng giá điện đến khi… trả hết nợ?

ANTĐ - Năm 2012 và 2013 có lãi lớn và năm 2014 đặt mục tiêu tiếp tục có lãi, nhưng thay vì giảm giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục đề xuất tăng giá bán điện ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2014. Khi lỗ tăng giá là một chuyện, lãi lại cũng tăng giá. EVN đặt mục tiêu toàn Tập đoàn sản xuất kinh doanh điện có lãi và giá bán điện bình quân năm 2014 tăng lên 1.533,09 đồng/kWh. Như vậy, giá điện năm 2014 sẽ tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh! 

Theo dự kiến, tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2014 đạt 126,5 tỷ kWh, đưa lại cho EVN hơn 4.300 tỷ đồng doanh thu nhờ việc tăng giá điện này. Mặt khác, EVN cũng đặt mục tiêu trả nợ gốc và lãi vay trong năm 2014. Đó là cái nguyên do EVN phải tăng giá bán điện, tăng nữa, tăng đến khi nào trả hết nợ thì thôi. Tính ra, EVN còn khoản nợ 16.000 tỷ đồng. Có nghĩa là 16.000 tỷ đồng nợ sẽ được chia cho 2 năm 2014 - 2015, giá thành điện mỗi năm sẽ phải gánh thêm 8.000 tỷ đồng nợ treo này của EVN. 

Người dân cứ kêu trời, doanh nghiệp cứ bức xúc, còn điện cứ... tăng giá. Trong khi cơ quan quản lý luôn chấp thuận tăng giá điện vì…  giá điện của ta hiện vẫn thấp hơn giá thành. Giá điện đắt hay rẻ liên quan đến việc giá thành cụ thể là bao nhiêu, cơ cấu tính giá thành như thế nào, nhưng điều này lại chưa được công khai minh bạch.

Có một điều chắc chắn là giá điện hiện nay không rẻ so với thu nhập của người dân. Đã biết ngân sách Nhà nước không thể bù lỗ mãi nên từng bước phải để giá các mặt hàng thiết yếu tiệm cận giá thị trường. Thực tế, không thể hạn chế được việc EVN tăng giá bán điện bởi lẽ nếu đầu tư cho ngành Điện giảm sút thì tình trạng mất điện sẽ diễn ra, gây khó khăn cho người dân. Nhưng khi điện tăng giá có lãi đã không đầu tư vào ngành mà lại dùng tiền lãi để kinh doanh ngành khác. Trong những khoản lỗ của EVN có một phần không nhỏ là lỗ do đầu tư ngoài ngành như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán..., thậm chí xây biệt thự, sân golf cũng đưa vào chi phí giá điện… Những sai phạm này đã được cơ quan Kiểm toán và Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Vậy tại sao EVN bắt người dân phải gánh cả phần làm ăn sai trái của mình, buộc khách hàng trả nợ thay? Cũng chưa thể kết luận giá điện của ta rẻ hơn các nước hay thấp hơn giá thành khi chưa minh bạch mà vẫn cứ lấy đấy làm lý do tăng giá như hiện nay.  Về việc này, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, giá điện và xăng dầu cần phải công khai, minh bạch toàn bộ số liệu đến với người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là, tại sao việc công khai minh bạch cách tính giá thành của điện và một số ngành độc quyền lại khó khăn đến như vậy.

Đề nghị tăng giá điện để lấy vốn đầu tư và trả nợ là không hợp lý, và bài toán đặt ra là Chính phủ cần cứu EVN bằng cách chấp thuận tăng giá điện để thanh toán hết khoản nợ, hay nên xem xét việc Tập đoàn này cần được cải hóa một cách mạnh mẽ?