Tăng gấp đôi thu nhập cho đồng bào miền núi vào năm 2025 có khả thi?

ANTD.VN - Các chỉ tiêu về thu nhập, tỉ lệ lao động qua đào tạo, hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt... nhận được nhiều ý kiến quan tâm, góp ý của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, sáng 1-11.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến giải trình trước Quốc hội, sáng 1-11

Tại các phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng chỉ tiêu thu nhập đến năm 2025 tăng 2 lần là cao, không khả khi. Có ý kiến khác cho rằng chỉ tiêu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có ý kiến yêu cầu chỉ tiêu đào tạo nghề cao, khó đạt được.

Giải trình về chỉ tiêu thu nhập, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết qua khảo sát trực tiếp, hiện thu nhập thực tế bình quân của một người dân tộc thiểu số ở mức 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13 triệu đồng/năm.

Nếu đặt chỉ tiêu đến năm 2025 tăng gấp 2 lần như đề án, tức đạt 26-28 triệu đồng/năm.

Đánh giá chỉ tiêu trên là phù hợp, ông Đỗ Văn Chiến dẫn chứng dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng, đến năm 2025, nước ta sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP/đầu người.

Còn theo dự văn kiện đại hội Đảng bộ của các tỉnh, vùng dân tộc thiểu số và miền núi thấy quyết tâm rất cao, năm 2020 so với năm 2015, Hà Giang đề nghị tăng 2,1 lần, Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần, Quảng Bình 2,5 lần, Gia Lai 2,1 lần… 

Chương trình Tam nông xác định thu nhập của cư dân nông thôn, sau 10 năm tăng 2,5 lần nhưng vừa qua tổng kết là tăng 3,8 lần, bình quân là 1,9 lần/5 năm.

“Vì vậy ban soạn thảo đề nghị giữ mức chỉ tiêu là 2 lần để từng thôn, xã quyết tâm phấn đấu, hàng năm có kiểm điểm thì mới thực hiện được”, ông Đỗ Văn Chiến nói.

Về chỉ tiêu đến năm 2025 tỉ lệ lao động được đào tạo khoảng 50%, một số đại biểu cho là cao, khó đạt, song Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá mức này là phù hợp.

“50% này không phải là cứ phải cấp chứng chỉ, bằng cấp. Chủ trương là sẽ tăng cường đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc”, thực hành được ngay chứ không nhất thiết phải có chứng chỉ. Đây cũng là tư duy mới về dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Đỗ Văn Chiến phân tích.

Chỉ tiêu đến năm 2025:

Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,0 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 5%;

100% xã có đường ô tô đến trung tâm, theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải; 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa;

80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; sắp xếp ổn định 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm; hỗ trợ giải quyết 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm so với cuối năm 2020; tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì 42%;

Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 50%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 10-15%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học phổ thông trung học trên 60%; thanh niên 15 đến 35 tuổi đọc thông viết thạo tiếng Việt trên 95%;

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số dân tộc thiểu số; 95% người dân tộc thiểu số biết nói tiếng dân tộc của mình trong giao tiếp; 80% xã, thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống;

Trên 80% phụ nữ được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thiếu cân xuống dưới 15%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85-90%.

(Trích dự thảo Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi)