Tăng độ tin cậy

ANTĐ - Khi công bố chỉ số môi trường kinh doanh tháng 1-2012, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu khảo sát trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội nhận xét, sự tăng nhẹ của chỉ số từ 52 điểm lên 56 điểm chứng tỏ sự tạm dừng của xu hướng đi xuống về lòng tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ tin cậy này vẫn còn xa so với năm 2011 mặc dù triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp đã ổn định. Chút lạc quan về triển vọng kinh tế đã hé lộ.

Kết quả khảo sát cho thấy, 38% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh của họ là trung bình, giảm nhẹ so với tỷ lệ 46% trong lần khảo sát trước. Số doanh nghiệp đánh giá “điểm tốt” hoặc “xuất sắc” về tình hình kinh doanh chiếm 36%, tăng nhẹ so với 32% của quý trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 64% doanh nghiệp hài lòng về tình hình kinh doanh hiện tại cùng thời kỳ năm ngoái. Về triển vọng kinh doanh, 39% doanh nghiệp cho “điểm tốt” hoặc “xuất sắc”, tăng 12% so với quý trước. Song nếu so với đánh giá về triển vọng kinh doanh tích cực của năm ngoái là 72% thì rõ ràng còn khá thấp.

Cuộc khảo sát cũng đặt câu hỏi với các doanh nghiệp về tỷ lệ mất giá của tiền đồng Việt Nam. Nhiều ý kiến nhận xét, sự ổn định của tỷ giá cuối năm 2011 là do Ngân hàng Nhà nước đã rất khéo léo trong việc giải quyết bài toán thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể trong những năm qua. Ngân hàng Nhà nước có thể có lý khi tiếp tục duy trì trong năm 2012 để đảm bảo cán cân thanh toán thặng dư nhằm kìm giữ tỷ giá trong phạm vi 2-3%. Dẫu vậy, không thể duy trì mãi một thành công bởi vì tỷ giá trong dài hạn cần phải phụ thuộc vào chênh lệch lạm phát trong và ngoài nước. Nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kìm giữ tỷ giá, trong khi lạm phát liên tục ở mức cao, thì VND sẽ tiếp tục lên giá thực so với ngoại tệ, do đó khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Xét ở một góc độ khác, các biện pháp hành chính mà Ngân hàng Nhà nước đã thành công ở chừng mực nào đó khó có thể cưỡng lại sự vận động của tỷ giá dưới áp lực thị trường khi mà lạm phát vẫn đứng ở mức cao. Khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chính phủ là hoàn toàn đúng hướng, song một ủy viên thường vụ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, với cách thắt chặt chính sách tiền tệ như hiện nay có thể dẫn đến sự “ngột ngạt” cho cả nền kinh tế. Muốn kiềm chế lạm phát thì tất yếu phải chắt chặt tiền tệ, nhưng để thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2012, không tái diễn tình trạng “khó thở” của cả nền kinh tế như năm 2011. Theo đó, việc kiềm chế lạm phát không nên tiếp tục theo cách cố thắt chặt tiền tệ hết mức có thể, thay vào đó cần có những giải pháp quyết liệt hơn để kiểm soát tình trạng tài chính, tái cấu trúc các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đó là cách tốt nhất để đảm bảo nguồn vốn vẫn được tiếp tục “rót” ra phục vụ cho sản xuất kinh doanh mà không làm ảnh hưởng đến lạm phát. Theo ý kiến của vị ủy viên này, nếu cố thắt chặt bằng mọi giá để kiềm chế lạm phát cũng không khác nào “bóp nghẹt” nền kinh tế.

Mục tiêu cao nhất trong việc kiềm giữ tỷ giá chủ yếu là nhằm xây dựng mức độ tin cậy vào VND, từ đó bình ổn kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế. Song, sự ổn định của tỷ giá chỉ là biểu hiện bề ngoài khi niềm tin vào tiền đồng được nâng cao. Giá trị hay độ tin cậy của VND nằm ở mức lạm phát trong nước so với thế giới.