Tăng cường xử lý “ma men” sau tay lái: Hãy biết bảo vệ bản thân và cộng đồng

ANTĐ - Vi phạm về sử dụng quá nồng độ cồn cho phép khi điều khiển phương tiện diễn ra quanh năm. Song, có một thực tế, càng đến những ngày cuối năm, loại vi phạm này càng gia tăng. 

Tăng cường xử lý “ma men” sau tay lái: Hãy biết bảo vệ bản thân và cộng đồng ảnh 1CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia
khi điều khiển phương tiện

“Nóng” vi phạm rượu bia dịp cuối năm

Xác định một trong những nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng các vụ TNGT nghiêm trọng là do đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội đã chỉ đạo lên Kế hoạch 102 tăng cường xử lý vi phạm trên.

12h30 ngày 18-12, các tổ công tác của 8 đội CSGT quản lý các quận nội thành đồng loạt xuống đường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng quá nồng độ cồn cho phép. Chọn tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng-Nguyễn Chí Thanh làm nơi cắm chốt, kiểm tra, chỉ huy Đội CSGT số 3 phân tích, triển khai chuyên đề này có rất nhiều đặc thù, do vậy CSGT tham gia xử lý cũng phải được tuyển lựa kỹ. Thứ nhất CSGT phải chọn đúng thời gian sau giờ ăn trưa, ăn tối mới có thể dễ dàng phát hiện, xử lý vi phạm. Ngoài ra, vì những người vi phạm thường không làm chủ được hành vi của mình nên CBCS khi tham gia xử lý cần hết sức mềm mỏng, nhưng kiên quyết. Điều đó sẽ tránh cho việc xảy ra những va chạm không đáng có cũng như tăng hiệu quả kiểm tra, nhắc nhở xử lý.

Chỉ sau chừng nửa giờ cắm chốt, trường hợp đầu tiên bị tổ công tác dừng xe, kiểm tra là anh Nguyễn Văn Trường quê ở Hà Nam. Mặt đỏ gay sau cuộc liên hoan với nhóm bạn cùng cơ quan, anh Trường khá bối rối khi bị CSGT dừng xe. Tuy nhiên, khi CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở, anh Trường đã lấy lý do bị dị ứng mùi nhựa để từ chối. Mặc dù vậy, với thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết cùng những lý lẽ giải thích hợp lý của CSGT, anh Trường cuối cùng đã phải chấp hành. Kết quả nồng độ cồn trong máu của anh Trường là 1.189 mg/lít khí thở, vượt ngưỡng nhiều lần so với quy định.

Chốt trực ở khu vực ngã tư Kim Ngưu-Minh Khai, tổ công tác của Đội CSGT số 4 do Thiếu tá Nguyễn Hữu Huấn-Đội phó Đội CSGT số 4 chỉ huy không quá khó khăn trong việc xác định người vi phạm. Với những biểu hiện mặt đỏ, điều khiển xe máy, phương tiện không bình thường, vi phạm lỗi, có ít nhất hơn 11 trường hợp đã bị CSGT dừng xe, yêu cầu kiểm tra. Hơn nửa trong số những trường hợp trên đã sử dụng bia, rượu quá nồng độ cồn cho phép. “Đối với những trường hợp vi phạm, CSGT kiên quyết lập hồ sơ xử lý, ra quyết định tạm giữ phương tiện để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như chính người vi phạm. Riêng những lái xe qua kiểm tra nồng độ cồn trong máu chưa vượt ngưỡng quy định, CSGT cũng nhắc nhở, tuyên truyền để họ tránh vi phạm, vì sự an toàn của bản thân” - Thiếu tá Nguyễn Hữu Huấn cho hay.

Đã lái xe thì không uống rượu, bia

Chỉ trong 3 ngày triển khai tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn vượt quá quy định đối với người điều khiển phương tiện, các tổ công tác của Phòng CSGT đã phát hiện, lập biên bản xử phạt gần 100 trường hợp vi phạm; tạm giữ 74 phương tiện và tước giấy phép lái xe của 74 trường hợp. Thông tin với phóng viên, Thượng úy Trần Tú Anh - Đội phó Đội Tham mưu tổng hợp Phòng CSGT đánh giá, trong quá trình làm nhiệm vụ, các tổ công tác đã sử dụng nhiều biện pháp, kết hợp vừa công khai, vừa hóa trang, trinh sát, song kết quả đạt được so với vi phạm trên thực tế vẫn còn một khoảng cách rất xa. Nguyên nhân do không ít các trường hợp vi phạm tìm đủ mọi cách chống đối không để CSGT kiểm tra nồng độ cồn.

Đánh giá về những vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đối với tình hình TNGT, Trung tá Nguyễn Văn Tài-Đội trưởng Đội Điều tra khám nghiệm, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cho hay: Qua thống kê thực tế, một trong những nguyên nhân khiến TNGT diễn biến phức tạp, khó lường chính là người điều khiển phương tiện sử dụng bia, rượu quá nồng độ cồn cho phép. Đáng chú ý, hầu như tất cả các trường hợp tai nạn liên quan đến nguyên dân này đều nằm trong diện đặc biệt nghiêm trọng. Theo phân tích của Trung tá Tài, điều đó cũng không có gì khó hiểu, bởi một khi người điều khiển phương tiện không làm chủ được hành vi của mình, tai nạn xảy đến là khó tránh khỏi.

Đại tá Đào Vịnh Thắng-Trưởng Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội khẳng định: Công tác tăng cường tuần tra, giám sát, xử lý vi phạm của CSGT chỉ có thể đạt được kết quả bền vững, lâu dài khi được sự hỗ trợ, giúp sức từ người dân, từ chính những người vi phạm, lái xe. Cùng với việc hoạch định, ban hành những chế tài, biện pháp xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm; quản lý việc buôn bán, sử dụng rượu bia của các cơ quan chức năng, người điều khiển phương tiện, tham gia giao thông hãy tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng. Hãy biết khước từ rượu, bia khi ngồi sau tay lái. “Chúng tôi sẽ tăng cường xử lý vi phạm này trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Không chỉ các tuyến phố trong nội đô, các huyện ngoại thành, tuyến đường liên thôn, liên xã và đặc biệt là những tuyến Quốc lộ... sẽ được CSGT đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với “ma men” sau tay lái” - Đại tá Đào Vịnh Thắng nêu rõ.