Tăng cường quản lý hoạt động báo chí

ANTĐ - Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đang được các ĐBQH thảo luận tại nghị trường trong kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIII. Liên quan đến một số quy định cấm trong dự thảo luật, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (ĐBQH tỉnh An Giang) đã chia sẻ với báo chí tại hành lang Quốc hội trong ngày 10-11.

PV- Trong phiên họp toàn thể tại nghị trường ngày 4-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Bắc Son đã trình bày tờ trình về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Tại dự thảo đã đưa ra quy định các hành vi cấm, để đảm bảo quyền tự do ngôn luận và quyền công dân. Trung tướng đánh giá như thế nào về quy định này?

Trung tướng Trần Văn Độ trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội

Trung tướng Trần Văn Độ: Tại điểm g, khoản 1, Điều 10, trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) ghi rõ các hành vi bị cấm như: đăng, phát ảnh hình ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện hợp pháp của người đó, trừ những trường hợp sử dụng ảnh buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, những người phạm tội đã bị tuyên án, hoặc nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đăng, phát hình ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó... Theo tôi, những vấn đề trên cấm là đúng, để báo chí không xâm phạm đến những lợi ích chung của xã hội, không xâm phạm đến quyền tự do của con người.

PV- Quan điểm của Trung tướng như thế nào khi vụ án chưa đưa ra xét xử và mới bắt được nghi can, nhưng trên mặt báo đã tràn lan hình ảnh của nghi can có báo đã khai thác rất kỹ nhân thân ca họ?

Trung tướng Trần Văn Độ: Báo chí cũng phải tuân theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Người bị buộc tội chỉ coi là có tội khi có bản án, quyết định có hiệu lực của pháp luật của Tòa án, theo thủ tục tố tụng nhất định. Do đó, những người mới bị khởi tố điều tra, mới chỉ là những người bị nghi phạm tội và họ chưa phải là người phạm tội. Theo tôi, khi vụ án chưa đưa ra xét xử và mới bắt được nghi can, báo chí chỉ nên đưa thông tin sự kiện, sự việc, còn việc bình luận có tội hay không có tội, là thẩm quyền của các cơ quan tố tụng đặc biệt là Tòa án. Bởi lẽ, Tòa án nhân danh Nhà nước phán quyết một người có tội, hay không có tội và áp dụng hình phạt với người đó. Báo chí không nên đi trước bình luận, khi sự việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra. Như vậy sẽ tạo áp lực không tốt với cơ quan tố tụng và đặc biệt là tòa án không độc lập được khi xét xử. Mặt khác, không phải ai là nghi can sau khi điều tra đều là người có tội. Cũng có thể, khi bị tình nghi thì tội được xem như nặng, nhưng phán quyết thì tội rất nhẹ. Điều này gây khó khăn cho họ khi tái hòa nhập cộng đồng.

PV- Tại một số quốc gia, khi bắt nghi phạm cơ quan chức năng thường trùm kín mặt người đó, báo chí không đăng hình ảnh nghi phạm mà đăng hình vẽ chân dung. Trung tướng bình luận như thế nào về cách làm này?

Trung tướng Trần Văn Độ: Về nguyên lý, một số nước trong quá trình điều tra không đưa hình ảnh nghi phạm mà đưa ký họa. Việc làm này giúp những người phạm tội có cơ hội quay trở về cuộc sống lương thiện, không bị ảnh hưởng bởi những định kiến của xã hội.

PV- Trung tướng đánh giá như thế nào về những quan điểm mà dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) đề cập đến?

Trung tướng Trần Văn Độ: Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) thấm nhuần được tư tưởng mới của Hiến pháp 2013. Đó là quyền tự do ngôn luận của người dân và tăng cường quản lý hoạt động báo chí. Trong bối cảnh hiện nay, báo chí rất đa dạng với nhiều loại hình như báo nói,  báo mạng, báo in, báo hình. Nếu không quản lý chặt chẽ, sẽ dễ xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, cơ quan tổ chức, xã hội và công dân. Do đó, một mặt tăng cường tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng mặt khác cũng cần tăng cường công tác quản lý báo chí. Nếu không, dễ dẫn đến tình trạng quyền tự do của người này sẽ xâm hại đến quyền tự do của người khác.

          PV- Xin cảm ơn Trung Tướng!