Tăng cường giám sát trong hoạt động xét xử

ANTĐ - Năm 2013, TAND quận Long Biên thụ lý tổng số 1.230 vụ án các loại (tăng 100 vụ so với năm trước) và đã xét xử, giải quyết xong 1.216 vụ. Trong đó, án hình sự 578 vụ, giảm 66 vụ với 191 bị cáo; án dân sự 115 vụ, tăng 7 vụ; hôn nhân gia đình 546 vụ, tăng 48 vụ và án kinh doanh thương mại, lao động, hành chính 166 vụ, tăng 111 vụ. 

Tất cả các loại án này đều được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật với tỉ lệ đạt từ 93 đến 98,8%. Đặc biệt, đối với án ma túy và mại dâm, TAND quận Long Biên bảo đảm xét xử lưu động  tại nơi xảy ra vụ án hoặc địa bàn cư trú của bị cáo góp phần  tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật tới người dân, đồng thời giúp phòng ngừa, đẩy lùi được tội phạm trên địa bàn. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Chánh án TAND quận Long Biên. 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Chánh án Tòa án Long Biên tại một buổi giám sát hoạt động xét xử

- PV: Tỉ lệ các loại án trong năm qua trên địa bàn Long Biên tăng ở tất cả các loại án, trong đó án hành chính tăng đột biến, đâu là nguyên nhân, thưa bà?

 - Trong năm qua, chúng tôi thụ lý 85 vụ án hành chính và đã giải quyết được 81 vụ. So với năm 2012, án hành chính ở Long Biên tăng đột biến với 74 vụ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, song chủ yếu là do thời gian qua, địa bàn quận Long Biên triển khai nhiều dự án hạ tầng cơ sở, trong đó có dự án mở rộng, nâng cấp đường Ngô Gia Tự. Hầu hết các vụ án hành chính là do người dân không đồng ý về mức đền bù đất khi bị thu hồi GPMB. Về phía tòa án, chúng tôi luôn giữ vững các nguyên tắc trong xét xử là độc lập, khách quan, công bằng và chỉ tuân theo pháp luật. Do đó mà ở loại án này không có án bị hủy. Đối với các vụ án hình sự cũng không có án oan, sai hoặc bỏ lọt người, sót tội.

- Năm 2014, TAND quận Long Biên đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xét xử, bà có thể nói rõ hơn?

- Thực hiện nhiệm vụ TAND TP Hà Nội giao và chỉ đạo của Quận ủy, toàn thể cán bộ, thẩm phán Tòa án Long Biên đã bắt tay vào công việc ngay từ ngày đầu năm. Cụ thể, đối với công tác chuyên môn, chúng tôi nghiêm túc thực hiện quy trình giải quyết các loại án. Theo đó, khi được phân công và nhận hồ sơ, thẩm phán nghiên cứu kỹ tài liệu, đề ra các bước giải quyết chi tiết, rồi trình chánh án duyệt kế hoạch. Với vai trò giúp việc cho chánh án, cá nhân tôi cùng hai vị đồng cấp luôn nêu cao trách nhiệm để giúp chánh án trong việc giám sát, đôn đốc thẩm phán tiến hành đúng kế hoạch xét xử, đồng thời tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc. Chúng tôi còn kiểm tra, giám sát biên bản giải thích hậu quả pháp lý đối với từng quyết định thỏa thuận của các bên đương sự. Về các phong trào thi đua, TAND quận Long Biên luôn phát động và phát huy hết tinh thần của từng cán bộ trong đơn vị nhằm tạo động lực cho hoạt động xét xử. Năm 2014 còn là năm mà Tòa án Long Biên áp dụng mô hình đưa tin học vào công tác quản lý. Mô hình này sẽ “lập trình hóa” chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh, quy trình làm việc và công tác điều hành, lãnh đạo. Qua đó sẽ rõ người, rõ việc, sai ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai và bảo đảm sự công bằng.

- Cảm ơn bà!