Tăng cước 3G: Có bắt tay để lũng đoạn thị trường?

ANTĐ - Dư luận nghi vấn, việc 3 nhà mạng chiếm vị trí thống lĩnh thị trường viễn thông di động là MobiFone, VinaPhone và Viettel đồng loạt tăng cước 3G cùng thời điểm và mức tăng tương đương nhau có dấu hiệu thoả thuận ngầm. Hơn nữa, mức tăng lại rất mạnh, gói cước cao nhất lên tới 40%.

Tăng cước, chất lượng dịch vụ 3G có được nâng cao? (Ảnh minh họa)

Lỗ nên phải tăng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel tại cuộc toạ đàm về dịch vụ OTT (tin nhắn, thoại… miễn phí) mới đây cho biết, các nhà mạng phải tính chuyện tăng cước 3G bởi cước dịch vụ này đang được bán dưới giá thành: “Khoảng 4 năm trước, các nhà mạng bắt đầu đầu tư vào mạng 3G. Trong giai đoạn đầu phát triển, để kích cầu, nhiều nhà mạng đã giảm giá cước dưới mức giá thành. Khi sinh ra mạng 3G, các nhà mạng ở Việt Nam nghĩ rằng 3G sẽ tạo ra nguồn doanh thu mới bên cạnh doanh thu từ mạng 2G và chỉ dùng khoản chi phí tăng thêm để tính giá thành. Nhưng nay 3G dần thay thế 2G và tất cả chi phí cho 2G thì 3G phải “gánh”.

Đúng như lời “rào đón”, từ 0h ngày hôm nay, 16-10, 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là MobiFone, VinaPhone và Viettel chính thức tăng cước dịch vụ 3G trung bình khoảng 20% so với cước 3G hiện hành.

Cụ thể, Vinaphone tăng giá các gói cước dịch vụ truy cập 3G từ máy điện thoại di động (dịch vụ Mobile Internet) và các thiết bị khác như USB 3G, máy tính bảng (dịch vụ ezCom). Với các gói cước 3G trọn gói trên điện thoại di động, gói cước MAX sẽ tăng từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng. Gói cước ưu đãi dành cho sinh viên MAXS cũng tăng từ 40.000 lên  50.000 đồng/tháng. Tương tự VinaPhone, MobiFone và Viettel đã gửi thông báo điều chỉnh giá cước bằng tin nhắn tới khách hàng. Đáng chú ý, gói cước MIU của MobiFone, MAX của VinaPhone và MiMax của Viettel tăng đến 40%, từ 50.000 đồng/tháng hiện nay lên 70.000 đồng/tháng. Việc tăng cước 3G lần này có thể giúp các nhà mạng tăng doanh thu thêm khoảng 1.500 tỷ đồng.

Hiện giá cước 3G MobiFone đang cung cấp cho khách hàng thấp hơn 50% so với giá thành dịch vụ. Để thực hiện theo quy định của Nhà nước về việc giá dịch vụ viễn thông không được thấp hơn giá thành, MobiFone đã tiến hành điều chỉnh giá cước đối với dịch vụ Mobile Internet và Fast  Connect. Đại diện MobiFone và VinaPhone đều khẳng định, việc tăng giá cước căn cứ vào quy định quản lý giá của Bộ TT-TT và để nhà mạng có thêm điều kiện tái đầu tư, nâng cấp mạng lưới, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Với mức tăng cước trung bình 20%, cước 3G của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của 10 nước ASEAN. Và nếu tính trên thực tế sử dụng thì cước 3G của Việt Nam chỉ bằng 19,4 % so với mức thu trung bình của ASEAN.  

Không thể ngẫu nhiên

Bên cạnh việc chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ, dư luận còn đặt ra nghi vấn, 3 mạng di động chiếm hơn 90% thị phần “bắt tay” nhau tăng giá. Tiến sĩ Luật Vương Ngọc Tuấn nhận định: “Không phải ngẫu nhiên mà 3 nhà mạng lớn chiếm hơn 90% thị phần lại đồng loạt tăng giá cùng thời điểm, mức tăng cũng tương tự nhau. Có thể họ “bắt tay” nhau để lũng đoạn thị trường, cạnh tranh không lành mạnh”. 

Đứng về phía người tiêu dùng, ông Vương Ngọc Tuấn cho rằng bất kỳ mặt hàng nào tăng giá cũng tác động không tốt tới tâm lý khách hàng. Trong khi đó, đây là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống giống như mặt hàng điện, nước, sữa nên việc tăng giá cần được kiểm soát chặt chẽ. Mặt khác, cả 3 nhà mạng đều là doanh nghiệp nhà nước nên cơ quan quản lý cần điều tra dấu hiệu độc quyền cũng như tăng giá đã hợp lý chưa.

Một chuyên gia kinh tế khác cho hay, lập luận tăng cước dựa trên quy định quản lý giá của Bộ TT-TT là thiếu thuyết phục, bởi việc này thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Hơn nữa, không nên so sánh giá dịch vụ ở Việt Nam với nước ngoài, bởi thu nhập của người dân mỗi nước khác nhau. 

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến quy định, các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận (nếu kết hợp lại chiếm 30% thị phần trở lên) sẽ bị phạt tiền đến 5% tổng doanh thu trong năm trước nếu có hành vi: thỏa thuận áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng; thỏa thuận tăng giá hoặc giảm giá ở mức cụ thể; thỏa thuận không chiết khấu giá hoặc áp dụng mức chiết khấu giá thống nhất.