Tăng chế tài, giảm thiệt hại

ANTĐ - Mặc dù mới chỉ là dự thảo nhưng nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, trong đó có ý kiến của đại biểu Quốc hội, luật sư, giới chuyên gia và người tham gia giao thông. 

Đặc biệt, nhiều vi phạm trước đây chưa quy định rõ thì tới đây sẽ bị xử lý mạnh tay, không có chuyện nhơn nhơn trước pháp luật, coi thường tính mạng con người.

Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (ATGT), Bộ GTVT nhấn mạnh, sau một thời gian thực hiện, Nghị định 171 và Nghị định 107 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Vì vậy, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 171 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được Bộ GTVT lấy ý kiến với những mức phạt cao chưa từng có.

Chẳng hạn, sẽ tăng mức phạt tiền với hành vi lái xe ô tô trong tình trạng có sử dụng rượu bia ở 3 mức: 3-5 triệu đồng; 8-12 triệu đồng và 14-16 triệu đồng, tùy theo nồng độ cồn có trong máu, tức là nồng độ cồn càng cao thì bị phạt tiền càng nặng, hơn thế còn bị tước giấy phép lái xe 3 tháng thay vì 2 tháng như hiện nay. Người lái xe máy nếu sặc sụa rượu bia cũng bị phạt tới 7 triệu đồng. Sở dĩ có mức tăng này bởi mỗi năm có tới 16-20% số vụ TNGT mà “thủ phạm” là lái xe “quá chén” gây ra.

Tương tự, lái xe ô tô chở quá tải sẽ bị phạt tiền từ 14-16 triệu đồng, chủ phương tiện sẽ bị phạt từ 18-22 triệu đồng… Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, việc nâng mức xử phạt được tính toán trên yêu cầu thực tế tình trạng giao thông hiện nay.

Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, Bộ Công an nhận định, dự thảo nghị định tập trung vào các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT chính là để tăng tính răn đe, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông. Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ngoài việc tăng mức xử phạt, cần có biện pháp mạnh hơn như thu hồi giấy phép lái xe vĩnh viễn với những người vi phạm nhiều lần.

Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông là công tác thường xuyên, liên tục như “mưa phùn thấm lâu”. Việc phạt tiền nặng, đánh vào “ngân sách” cá nhân là chuyện cực chẳng đã. Dù sao, “đánh” vào túi tiền cũng là biện pháp hiệu quả mà nhiều nước áp dụng bất kể mức thu nhập đầu người cao hay thấp. Người ta đã rút ra rằng, phạt tiền nặng hành vi vi phạm sẽ giảm nhẹ tai nạn, giảm rất nhiều thiệt hại cho người dân và cả xã hội cũng như nền kinh tế.