Tăng Armata "tàng hình", khả năng phòng thủ siêu mạnh

ANTĐ - Các nhà sản xuất xe tăng Nga đã biến chiếc xe tăng T-14 Armata trở thành tàng hình, cùng với hệ thống phòng thủ chủ động và thụ động rất mạnh.

Hệ thống phòng thủ chủ động mạnh mẽ

Theo các chuyên gia quân sự Nga, khi chế tạo xe tăng T-14 Armata, các nhà sản xuất đã sử dụng công nghệ làm "cỗ máy chiến đấu" này gần như vô hình và bất khả xâm phạm trước đối phương. Cùng với khả năng bảo vệ chủ động hoàn hảo, Armata đã trở thành xe tăng số 1 thế giới.

"Không phải bây giờ mới bắt đầu mà trên thực tế, chúng tôi đã làm ra một xe tăng có tính năng tàng hình độc đáo" - ông Vyacheslav Khalitov Phó tổng giám đốc của Nhà máy chế tạo xe cơ giới Nga Uralvagonzavod cho biết trong buổi phỏng vấn của đài phát thanh Tiếng vọng Mốcw.

Thảo luận về tính bất khả xâm phạm của xe tăng, ông Khalitov lưu ý không chỉ về lớp giáp Ural độc đáo và khả năng phòng vệ điện từ, mà cả việc sử dụng hệ thống bảo vệ chủ động “Hard kill and soft kill”, cho phép phát hiện và tiêu diệt đạn pháo ngay trên đường bay của chúng đến Ẩmta.

Ông Vyacheslav Khalitov chia sẻ, ngay từ khi thiết kế, xe tăng Armata đã được đặc biệt nhấn mạnh về khả năng phòng thủ.

Khả năng bảo vệ chủ động “thông minh” của nó rất ưu việt với các hệ thống đánh chặn tên lửa và đạn pháo chống tăng của đối thủ. Tất cả nguy cơ đe dọa  xe tăng từ các phương tiện chống tăng của kẻ địch đều được theo dõi nhờ hệ thống radar mảng pha chủ động trên xe.

Ngoài ra, việc trong tương lai sẽ được trang bị tháp pháo tự động, thay thế loại pháo 125mm bằng siêu pháo có cỡ nòng 152mm, cùng các loại đầu đạn có Uranium làm nghèo cũng sẽ đưa khả năng bảo vệ chủ động của nó lên tầm cao mới.

Tăng T-14 Armata của Nga được đánh giá có tính năng rất ưu việt

Loại pháo siêu hạng mang tính tấn công hủy diệt, có khả năng xuyên thủng một mét thép này sẽ giúp nó hủy diệt các đối thủ trước khi bị địch tấn công. Đây có thể coi là hình thức tự bảo vệ “khôn ngoan nhất”.

Hầu hết các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, các loại xe tăng tiên tiến nhất của phương Tây như M1A2 Abrams của Mỹ, Leclerc của Pháp, Leopard 2A6/7 của Đức, Challenger 2 của Anh, Merkava của Israel… đều không phải là đối thủ của T-14, Armata đã được xếp ở một “đẳng cấp khác”.

Hệ thống phòng thủ thụ động độc đáo

Hơn thế nữa, xe tăng thế hệ mới nhất của Nga còn được trang bị những tính năng tiên tiến nhất để làm triệt tiêu khả năng trinh sát, phát hiện của đối thủ, bảo vệ mình trước các phương tiện chống tăng trên thế giới đang ngày càng mạnh mẽ và thông minh.

Hệ thống phòng thủ thụ động của xe tăng cũng được chú trọng với lớp giáp siêu mạnh và áp dụng công nghệ tàng hình sâu, sử dụng lớp sơn đặc biệt, làm bằng vật liệu hấp thụ sóng radio, gây cản trở cho việc phát hiện nhanh chóng thiết giáp này.

Ngoài khả năng “tàng hình”, các chuyên gia đã phải công nhận lớp giáp của siêu tăng Armata mới nhất của Nga là không thể chọc thủng và có khả năng bảo vệ trước bất kỳ loại đạn xe tăng hiện có nào, cũng như súng phóng lựu và các tên lửa chống tăng. 

Viện nghiên cứu vật liệu thép của Nga cho biết, lớp giáp của Armata có thể chống lại tất cả các loại đạn chống tăng trên thế giới, có cỡ nòng 120mm, hay tên lửa chống tăng có điều khiển và cả súng phóng lựu cầm tay có cỡ nòng từ 100-150mm.

Chuyên gia phương Tây đánh giá T-14 có sức mạnh vượt trội tăng Mỹ-NATO

Ngoài ra, hãng tin Interfax dẫn lời ông Khalitov cho biết, các nhà thiết kế còn chú trọng tới việc giảm thiểu các nguồn bức xạ nhiệt, điện từ và hồng ngoại của Armata, làm khả năng bị phát hiện của xe tăng trong các vùng phổ hồng ngoại và radar gần như bằng không.

Tất cả những biện pháp làm giảm khả năng bộc lộ mình trước các phương tiện chống tăng đối phương sẽ khiến kẻ địch không thể phát hiện được siêu tăng Armata, trước khi phải hứng chịu cái chết bất ngờ từ hỏa lực siêu hạng của nó.

Còn trong trường hợp không may bị đối phương phát hiện trước, Armata cũng có khả năng sống sót rất cao khi bị tập kích trong loạt đạn đầu và lập tức phản công tiêu diệt kẻ địch.

Trong chiến tranh hiện đại với tốc độ nhanh, cường độ cao, độ khốc liệt lớn, việc đủ khả năng phản kích sau khi hứng đòn tấn công ban đầu là yếu tố quyết định đến sự thành bại của cuộc chiến. Xe tăng nào đạt đến mức ngưỡng này sẽ đạt đến “đẳng cấp tối cao” của dòng xe chiến đấu mặt đất.

Các quốc gia châu Âu là nòng cốt trong khối NATO như Đức, Pháp đã rất lo ngại trước sức mạnh của siêu tăng T-14 của Nga. Do đó, Đức, Pháp đã xây dựng kế hoạch đến năm 2030 cho ra đời một loại xe tăng mới làm đối trọng với siêu tăng T-14 Armata của Nga.