Tăng 12,4% lương tối thiểu vùng năm 2016: Công nhân tạm hài lòng, doanh nghiệp lo sốt vó

ANTĐ - Sáng qua, 3-9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu và thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%, tương đương 250.000-400.000 đồng cho 4 vùng. Nếu được Chính phủ chấp nhận thông qua, mức lương tối thiểu vùng mới này sẽ chính thức được áp dụng từ 1-1-2016.
Tăng 12,4% lương tối thiểu vùng năm 2016: Công nhân tạm hài lòng, doanh nghiệp lo sốt vó ảnh 1

Với mức tăng 12,4% lương tối thiểu vùng, cuộc sống của người lao động sẽ phần nào được cải thiện

Mức tăng thấp hơn năm 2015

Trao đổi với báo chí sau phiên thương lượng căng thẳng kéo dài, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, sau khi bàn bạc, 2 bên thành viên trong Hội đồng là Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đưa ra nhiều phương án khác nhau. Ở phiên họp cuối cùng này, phía LĐLĐVN đã chấp nhận giảm mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 16,7% như ở 2 cuộc họp trước đó xuống mức 14,3%, tức bằng mức tăng của năm 2015.

Phía VCCI chỉ chấp nhận mức tăng nhích hơn một chút so với phương án mà họ đã đưa ra ở cuộc họp trước, từ 10% lên 10,7%. Cuối cùng, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% để Hội đồng bỏ phiếu thống nhất.

 Có 14/15 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia tham gia bỏ phiếu, kết quả hơn 92% đã đồng ý với phương án điều chỉnh nói trên. Đây cũng là mức đồng thuận cao nhất mà Hội đồng đạt được ở 3 năm qua. Như vậy, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình Chính phủ theo các vùng là: Vùng 1: 3.500.000 đồng, tăng  400.000 đồng so với năm 2015; Vùng 2: 3.100.000 đồng, tăng 350.000 đồng so với năm 2015; Vùng 3: 2.700.0000 đồng, tăng 300.000 đồng so với năm 2015 và vùng 4 là 2.400.000 đồng, tăng thêm 250.000 đồng so với 2015. 

Ông Phạm Minh Huân cho rằng, mong muốn của Tổng LĐLĐVN là nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, phía VCCI thì cho rằng doanh nghiệp đang rất khó khăn. “Qua phân tích các phương án, Hội đồng nhận thấy mức tăng 12,4% là hài hòa cho cả hai bên trong bối cảnh hiện nay, bởi dù doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng nếu lương tối thiểu tăng thấp hơn năm trước, trong khi nền kinh tế 8 tháng đầu năm tăng trưởng tốt hơn năm 2014 thì không thể giải thích được với người lao động” - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia chia sẻ.

Tác động đến doanh nghiệp, công nhân?

Theo tính toán của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% sẽ đáp ứng được khoảng trên 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, cả phía VCCI và Tổng LĐLĐVN đều không thực sự hài lòng với mức điều chỉnh này dù các bên đã bỏ phiếu thông qua.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, người lao động chắc chắn chỉ có thể tạm hài lòng vì rõ ràng các chỉ số kinh tế năm nay khởi sắc hơn rất nhiều, nhưng lương tối thiểu chỉ bằng mức tăng của năm 2015 là từ 250.000-400.000 đồng từ vùng 1 đến vùng 4. Do mức tăng không như kỳ vọng nên tới đây Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục kiến nghị cũng như tham gia tư vấn cho Chính phủ khi xây dựng Nghị định tiền lương tối thiểu nhằm sớm đạt được lộ trình lương tối thiểu.

 Còn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: “Tôi không hài lòng với kết quả bỏ phiếu, bởi doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi thực hiện mức tiền lương mới nói trên, nhất là việc đóng BHXH theo chính sách BHXH mới cũng bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016”. Phía VCCI đề xuất, với mức tăng này, phải giãn lộ trình lương tối thiểu đáp ứng đời sống tối thiểu của người lao động, nếu không cứ với đà tăng như vậy trong 2 năm tới thì hàng nghìn doanh nghiệp sẽ lâm nguy.

“Việc tăng lương những năm qua đã vượt quá sức chi trả của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Nếu doanh nghiệp không hoạt động, phát triển được thì hàng nghìn công nhân sẽ bị mất việc chứ chưa nói tới đáp ứng đời sống tối thiểu, do đó chúng tôi tha thiết đề nghị người lao động cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay” - Phó Chủ tịch VCCI phân tích.

Chia sẻ khó khăn của phía doanh nghiệp khi việc tăng lương sẽ đặt gánh nặng lên vai họ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân đề nghị VCCI tiếp tục động viên các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thấp nhất khi tổ chức sản xuất kinh doanh, để dành nguồn điều chỉnh lương cho người lao động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục đánh giá việc thay đổi chính sách đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao hơn để xem sự tác động và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp như thế nào, báo cáo các cơ quan chức năng để kiến nghị Quốc hội xem xét. Theo quy định, sau 5 năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ xem xét lại mặt bằng nhu cầu mức sống tối thiểu để có sự điều chỉnh cho phù hợp.