Tận thu sinh viên

ANTĐ - Có nhiều cách lý giải đã được người làm chuyên môn đưa ra để "mổ xẻ" hiện tượng bất thường của điểm thi đại học năm nay rất cao. 

Một vị từng giữ vai trò quản lý ở Bộ GD&ĐT thẳng thắn nói rằng, việc chấm thi môn tự luận hết sức thiếu khách quan: "Chỉ cần có chỉ đạo nhẹ tay, cho điểm rộng để tăng số lượng thí sinh trên điểm sàn nhằm tăng số thí sinh trúng tuyển vào trường thì kết quả sẽ được nâng lên một cách dễ dàng". Đã có những dấu hiệu cho thấy dường như một số trường đại học tốp giữa và tốp dưới cố tình chấm lỏng tay ở những môn tự luận nhằm thoát khỏi cái vòng kim cô “điểm sàn” của Bộ Giáo dục-Đào tạo.

Trong khi đó, năm nay, khác với mọi năm, Bộ GD&ĐT giao các trường tự chủ trong việc xét tuyển. Do vậy, không có xét tuyển nguyện vọng 2, 3 nữa. Việc xét tuyển kéo dài đến khi nào đủ chỉ tiêu, không giới hạn về thời gian, không quy định điểm nguyện vọng sau cao hơn trước. 

Tình trạng này bắt nguồn từ sự bất ổn ngay trong hệ thống đại học, cao đẳng. Lấy lý do tỷ lệ sinh viên trên tổng số dân còn thấp so với các nước, cơ quan quản lý Nhà nước cho phép thành lập trường ĐH-CĐ dân lập một cách ồ ạt và kéo theo sự ồ ạt về thu hút người học. 

Bên cạnh việc  rất “chú trọng” đến việc chấm thi như vậy  để có người học, tức là để tồn tại, nhiều trường còn dùng “chiêu” chào mời hứa hẹn hấp dẫn. Đã xuất hiện những quảng cáo học bổng “khủng”, những điều kiện thoạt nghe không thể tốt hơn: miễn học phí, miễn phí ký túc xá, ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Thậm chí nếu không được cấp học bổng sẽ được vay tiền không lãi suất và được phép hoàn lại trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp. 

Đưa ra những lời mời mọc học bổng để kéo thí sinh, cố tình chấm thoáng trong các môn có thể chấm thoáng, các trường nhắm đến điều gì? Chắc chắn vẫn là mục tiêu đủ sinh viên để tồn tại. Hệ quả là tỉnh thành nào cũng có ít nhất vài trường, trong đó có nhiều trường không đạt tiêu chuẩn cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực, đội ngũ giảng viên nên xảy ra tình trạng  trường thuê, thầy mướn, trò mời là phổ biến trong hệ thống các trường ĐH dân lập hiện nay. Do vậy, không khó để hình dung chất lượng của những sản phẩm sau đào tạo tại những trường này sẽ thế nào. 

Đặc biệt, trong giáo dục, chừng nào lợi nhuận vẫn còn được đặt lên hàng đầu thì khó để nói đến chất lượng và sự phát triển bền vững. Vì chất lượng kém nên để có người học thì phải hạ chuẩn… cứ như thế vì mục tiêu lợi nhuận, phần lớn các trường ĐH-CĐ dân lập chỉ cốt làm sao lôi kéo được thật nhiều người học và bất chấp chất lượng đào tạo như thế nào. Chính vì thế mới diễn ra nạn “tận thu” thí sinh. 

“Tận thu” thí sinh - nghe mà không thể vui nổi!