Trước lo ngại ảnh hưởng đến nhịp độ khai thác sân bay dịp cao điểm 30-4 và 1-5:

Tân Sơn Nhất vẫn sửa chữa đường lăn

ANTĐ - Bộ GTVT quyết định việc sửa chữa, nâng cấp đường lăn Cảng hàng không (CHK) Tân Sơn Nhất sẽ vẫn diễn ra từ 10-4 nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dịp 30-4. Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng quyền khai thác sân bay sẽ chỉ bán cho nhà đầu tư nội.

Tân Sơn Nhất vẫn sửa chữa đường lăn ảnh 1Đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bắt đầu sửa chữa từ 10-4

Vẫn sửa chữa từ ngày 10-4

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) cho biết, việc sửa chữa, nâng cấp đường lăn CHK Tân Sơn Nhất nhằm tránh sự đối đầu của máy bay lăn ra lăn vào, giảm tải cho khu vực đường lăn Bắc Nam, đồng thời nâng cao năng lực khai thác sân đậu máy bay thêm 15 vị trí, lên 46 chỗ đỗ. Thời gian thi công kéo tài từ 10-4-2015 đến 10-2-2016. “Tôi đảm bảo, việc thi công này không ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của các hãng hàng không hiện tại, kể cả trong giai đoạn cao điểm 30-4 và 1-5 tới đây”, ông Nguyễn Nguyên Hùng khẳng định.

Theo phân tích của ACV, hiện trung bình mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất có 200 chuyến cất hạ cánh quốc tế, quốc nội 280 chuyến. Trong khi đó, theo lịch bay đã được Cục Hàng không phê duyệt cho các hãng, dịp nghỉ lễ 30-4 tới đây cũng chỉ tối đa 500 chuyến bay/ngày. Lãnh đạo ACV cho biết, nếu lùi lại thời gian bắt đầu sửa chữa từ tháng 8 theo kiến nghị sẽ  rơi vào mùa mưa, không thể thực hiện được. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc đóng cửa đường lăn 25L để nâng cấp, sửa chữa sẽ gây ảnh hưởng đến khai thác của các hãng.

“Đường lăn 25L dài nhất với 3,8km, trong khi đường lăn 25R chỉ có 3,08km. Việc thi công sẽ phải đóng cửa hoàn toàn đường lăn 25L vào ban ngày, chỉ mở vào ban đêm, không thể nói là không ảnh hưởng đến việc khai thác của các hãng hàng không”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá. Đại diện các hãng hàng không như Vietnam Airlines và Vietjet Air đều cho rằng, việc sửa chữa đường lăn 25L chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến các hãng. “Nếu bắt buộc phải thi công sớm thì đề nghị thi công từ đầu tháng 4 để tránh tháng cao điểm khai thác của các hãng hàng không. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa việc cắt giảm chuyến bay vì vé đã bán cho hành khách”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Vietjet Air bày tỏ. 

Cho rằng việc sửa chữa, nâng cấp đường lăn là cần thiết, nhưng cần tránh làm ảnh hưởng đến lịch khai thác của các hãng, sự đi lại của người dân, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu, ACV triển khai thi công từ 10-4, phải hoàn thiện xong trước ngày 30-6, nếu cần thiết có thể sử dụng phụ gia để giảm thời gian ninh kết bê tông. “Yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay bố trí đủ nhân vật lực để vận hành, quản lý bay an toàn tuyệt đối. Cục Hàng không làm việc với Bộ Quốc phòng xem xét giảm tần suất bay quân sự trong thời gian sửa đường lăn để ít ảnh hưởng nhất tới hoạt động bay dân dụng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu. 

Chỉ bán thí điểm sân bay cho nhà đầu tư nội

Liên quan đến việc chuyển nhượng quyền khai thác một số sân bay, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, sẽ làm thí điểm đối với từng sân bay, không chuyển nhượng đồng loạt. Đáng lưu ý, chỉ chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước, không chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. “Chúng ta làm thí điểm để có kinh nghiệm, có đầy đủ cơ sở pháp lý rồi mới  tính đến việc chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nhu cầu đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020 cần khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm 30%, còn lại phải huy động từ xã hội hóa. Việc kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không là cần thiết, song nhiều người cũng lo ngại việc độc quyền khi chuyển nhượng quyền khai thác sân bay cho một hãng hàng không. 

Ông Vũ Tuấn San, Trưởng ban Tài chính kế toán của ACV bày tỏ, việc chuyển nhượng quyền khai thác các sân bay cần hạn chế tối đa giao cho một hãng hàng không quản lý để tránh độc quyền. “Các nước trên thế giới đều quy định, một hãng hàng không không được nắm quá 5% tỷ lệ vốn ở một sân bay. Nếu một hãng hàng không sở hữu quyền khai thác tại một sân bay có nhiều hãng thì sẽ rất dễ dẫn đến việc mất công bằng, cạnh tranh không lành mạnh”, ông Vũ Tuấn San cho hay. 

Bộ trưởng GTVT chỉ đích danh việc phạt lỗi chậm chuyến bay

“Tôi đã yêu cầu Cục Hàng không phạt các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific trong vấn đề chậm chuyến. Tôi yêu cầu các hãng hàng không khi mua thêm máy bay phải có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho mình bao gồm phi công, tiếp viên… Đừng có tuyển quanh quẩn của hãng này hãng khác. Buôn có bạn bán có phường, kinh doanh theo kiểu chộp giật không phải là phương án bền vững, lâu dài”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho hay.