Tân Nhàn "tầm sư học đạo" để thực hiện "cuộc chơi lớn" với nhạc dân tộc

ANTD.VN - 5 năm trước, vào năm 2013, Tân Nhàn từng gây tranh cãi khi hát chèo cổ theo phong cách Jazz. Sau cú chuyển mình bất ngờ đó, cô không trình làng thêm sản phẩm âm nhạc “phá cách” nào liên quan đến âm nhạc truyền thống. Ngỡ tưởng Tân Nhàn bỏ cuộc nhưng hóa ra không phải. 

Suốt 2 năm sau đó, cô lặng lẽ đi “tầm sư học đạo”, tìm đến nghệ nhân ở các vùng miền để học hát các ca khúc, làn điệu cổ. Tân Nhàn thừa nhận, cô muốn được chắt lọc những tinh hoa, tinh túy từ thế hệ đi trước để học cách hát sao cho vừa ra chất cổ, vừa có cái hồn riêng của mình. Trong số những người thầy mà cô theo học có NSƯT Đình Cương – người đã tận tình chỉ bảo từng câu từng chữ và truyền “lửa” đam mê nghệ thuật truyền thống sang cô.

Với suy nghĩ đó, Tân Nhàn còn miệt mài tự học, phủ kín thời gian trống để xem tivi dạy hát văn, hát quan họ, thậm chí nghe và tập hát cả khi đang ngồi trên ôtô di chuyển trên đường, đến mức con gái nhỏ của cô phải thốt lên: “sao mẹ nghe nhạc này nhiều thế?”.

Nhớ lại quãng thời gian này, Tân Nhàn kể, thấy cô say mê với chầu văn, chèo cổ, nhiều người cũng lo cô sẽ bỏ bê dòng nhạc dân gian đã làm nên tên tuổi của mình, từ đó mà mất đi ít nhiều khán giả. Tuy nhiên, cô lại không nghĩ vậy. Trái lại, khi đi biểu diễn, không ít lần cô nhận được lời đề nghị hát chèo, hát văn. Điều đó càng khiến cô có thêm niềm tin mãnh liệt rằng, có rất nhiều khán giả yêu nghệ thuật truyền thống và say mê không kém gì mình. Vì vậy, dù bận rộn với nhiều lời mời biểu diễn song cô vẫn sẵn sàng hát miễn phí ở các chương trình âm nhạc truyền thống.

Tân Nhàn tự nhận, cô là người thích đi ngược lại với trào lưu và cũng đang ở độ tuổi phù hợp để quan tâm đến sự phát triển của âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên cô không xem đây là một cuộc dạo chơi hay để thỏa mãn sở thích muốn tìm kiếm cái gì mới lạ, mà là một giấc mơ góp sức “chấn hưng” nghệ thuật truyền thống dân tộc. Nữ ca sĩ tâm sự, hiện tại cô muốn được xuất hiện không chỉ với tư cách một ca sĩ của dòng nhạc dân gian, mà là một người có sự tìm tòi và nghiên cứu sâu sắc về âm nhạc truyền thống. Đó là lý do cho sự ra đời của album “Níu dải lụa đào” cùng 2 MV hát văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” và “Cô đôi Thượng Ngàn”.

Lần này, không phải hát chèo, hát văn, hát xẩm...theo kiểu phá cách với nhạc Jazz, Tân Nhàn khiến nhiều người ngỡ ngàng khi chọn hát theo đúng lối cổ của các nghệ nhân âm nhạc truyền thống dân tộc. Điều đặc biệt còn ở chỗ, cô ra album này nhưng không phải để bán mà để dành tặng khán giả - những người yêu âm nhạc truyền thống và yêu cô.

Tân Nhàn chia sẻ, cô in 5.000 đĩa và sẵn sàng in thêm nếu mọi người thực sự muốn nghe. Đây cũng là cách để cô “đo” sự quan tâm của khán giả dành cho loại hình nghệ thuật vốn bị xem là “kén” người nghe này. Nữ ca sĩ quả quyết, cô đã nhận được rất nhiều từ khi bước chân vào con đường ca hát và mong mỏi có thể làm điều gì đó có ích cho cộng đồng. Cô tin rằng, nếu như khán giả mặn mà khi nghe cô hát chèo, hát văn…thì chắc chắn đó sẽ là động lực thôi thúc nhiều nghệ sĩ khác có thêm niềm tin để làm những dự án âm nhạc truyền thống giống mình.

Chẳng nói đâu xa, Tân Nhàn kể, chồng cô khi ở nhà thỉnh thoảng vẫn ngân nga theo điệu chèo mà vợ vẫn hát. Điều đó làm cô cảm thấy rất hạnh phúc vì đã truyền được cảm hứng cho người ở bên cạnh mình – một người vốn được xem chỉ thích Opera.

Tân Nhàn tiết lộ, cô đang ấp ủ tham vọng giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống bằng cách biên soạn những làn điệu âm nhạc truyền thống ở các thể loại chèo, ca trù, xẩm, hát văn, quan họ... để làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, học sinh. Hiện tại, với tư cách Phó khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia, Tân Nhàn đang dành nhiều thời gian để tiến hành thực hiện công trình nghiên cứu khoa học này.

“Có thể tôi không làm được hết tất cả những gì tôi mơ ước, nhưng ít nhất tôi tin những việc tôi đang làm sẽ nguồn cảm hứng cho những bạn niềm đam giống như tôi. Trong tương lai, họ sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng đó ra rộng hơn” - Tân Nhàn hào hứng chia sẻ

Không dừng lại ở việc ra album hay làm MV, Tân Nhàn cho biết, cô sẽ thực hiện liveshow vào tháng 2-2019 và gọi đây là cuộc chơi lớn với âm nhạc truyền thống. Đó sẽ là chương trình hòa nhạc cùng dàn nhạc giao hưởng và dàn nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – người sẽ đảm nhận phần hòa âm phối khí của liveshow chia sẻ, có thể anh cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi kết duyên giữa nhạc dân tộc với giao hưởng, song anh thích sự mạo hiểm của Tân Nhàn và khâm phục giấc mơ đẹp đẽ mà cô dành cho nghệ thuật truyền thống dân tộc.