Tận mắt xem cách làm gốm có một không hai

ANTĐ - Làng gốm Bàu Trúc ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang khoảng 10km nằm ngay trên quốc lộ 1. Gốm Bàu Trúc hay gốm của người Chăm được chế tác khá đơn giản nhưng lại có tính nghệ thuật rất đặc trưng và  tiếng tăm đã vang ra cả thế giới. 

Vẽ hoa cho đất

Nghề làm gốm Chăm được ví là nghề “Nặn bằng tay, xoay bằng mông”. Nghe có vẻ hơi thô thiển và khó hiểu nhưng  lại miêu tả thật nhất về nghề làm gốm Chăm. Đất để làm gốm là thứ đất sét pha cát được nhào rồi vê thành từng sợi đất to cỡ ngón chân cái, dài vài gang tay.

Người thợ gốm Chăm không dùng bàn xoay như những nơi khác mà đặt bệ đỡ chắc chắn một chỗ. Thợ gốm sẽ cầm sợi đất đã nhào, dùng các ngón tay miết thành vòng xếp chồng lên nhau. Một tay áp giữ phía trong, một tay miết phía ngoài, chân vừa đi giật lùi vòng quanh bệ đỡ định hình cho thân gốm. Dáng người cúi khom tập trung miết cho sợi đất thành hình, chân vừa đi giật lùi nên phần hông luôn đi trước.

Tận mắt xem cách làm gốm có một không hai ảnh 1

Gốm Bầu Trúc giờ đa dạng các sản phẩm

Phương thức làm gốm này mới nhìn tưởng sẽ cho ra những sản phẩm không thể tròn và mịn bằng dùng bàn xoay nhưng thật lạ, gốm Chăm rất tròn và thân cũng mịn.

Sau khi tạo thành khuôn đất với hình theo ý, người thợ gốm tiếp tục nặn hoa văn bằng cách xoắn sợi đất nhỏ đều rồi viền lên mép bình. Để tạo ra những hoa văn trên thân gốm, người Chăm dùng quả cối xay già, ấn vào thân gốm còn ướt, những khía xoắn của quả cối xay tạo vào thân gốm những bông hoa chìm rất đẹp mắt. Hoặc người thợ gốm cầm chiếc gậy ngắn, hai đầu chạm những hình khác nhau như quả trám, vân mây, ấn lên thân gốm vừa nặn xong để tạo thành hoa văn.

Gốm Bàu Trúc sau khi đã nặn xong, thân gốm chỉ phơi qua vài tiếng rồi được phủ kín rơm rạ. Sau khi châm lửa đốt, người thợ gốm  vun đống tro than tiếp tục ủ kín đống xương gốm. 

Khuôn đất qua lửa đã hóa thành gốm. Người thợ dùng que dài khêu từng món đồ gốm trong đống tro tàn ra, lấy cành lá cây nhúng vào nồi nước vỏ thị đun sôi vẩy lên những bình, lọ gốm đang còn nóng.

Những giọt nước vỏ thị đen sì sôi xèo xèo trên thân gốm nóng, bốc hơi rồi đọng lại thành những chấm đen to nhỏ trên bình gốm nâu đỏ. Cách trang trí màu của gốm Chăm chỉ đơn giản có vậy nhưng lại là nét đặc trưng vô cùng thú vị, bởi mỗi chiếc bình, lọ lại được trang trí bằng những nốt tròn đen to nhỏ khác nhau và tồn tại vĩnh viễn với gốm.

Do chỉ nung bằng rơm rạ, ủ tro trong vài tiếng đồng hồ nên gốm Chăm chỉ dừng lại ở dạng “gốm”. Khi đựng nước sẽ bị thấm nhưng khi đã thấm no nước thì không thấm nữa. Với công nghệ mới nung gốm Chăm bằng ga với nhiệt độ và thời gian lâu hơn, gốm đã hóa sành, chắc hơn và không thấm nước. Nhưng người Chăm ở Bàu Trúc vẫn giữ phần nào cách nung gốm cổ truyền vì khách du lịch thích gốm truyền thống và chủ yếu chỉ để bày như một thứ đồ sưu tầm.

Ngôi nhà Chăm trên đất Thủ đô

Tận mắt xem cách làm gốm có một không hai ảnh 2

 Nụ cười nghệ nhân làng gốm (Ảnh: Vân Quế)

Nhớ lại những năm 2004, khi Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội mời những nghệ nhân người Chăm từ Bàu Trúc ra dựng nhà, làm gốm ngay giữa Thủ đô, khách tham quan vô cùng thích thú khi tận mắt nhìn thấy người Chăm dựng nhà truyền thống.

Ngôi nhà có khung bằng gỗ, vách có thể bằng gỗ hoặc bằng đất trộn rơm. Mái nhà bằng cỏ tranh, nền nhà được làm cách mặt đất vài gang tay vừa thoáng, mát lại sạch sẽ. Nhà truyền thống của người Chăm rất thoáng mát nhưng cũng rất kín đáo.

Khi dựng nhà, người chăm cầm từng bó cỏ tranh kéo vào thanh gỗ có đóng mấy chiếc đinh để tuốt bớt lá cỏ, chỉ để lại gân lá. Họ phơi khô rồi bện lại thành mảng để lợp nhà. Cỏ tranh khi đã khô thì bền bỉ dưới nắng mưa lại mang đến cho ngôi nhà không khí thoáng mát, khô ráo. 

Tìm đến làng gốm Bầu Trúc, ngôi làng được coi là cổ nhất Đông Nam Á , những ngôi nhà cổ truyền thống của Bàu Trúc không còn nữa. Hỏi ra mới biết vì nhà truyền thống Chăm sàn bằng gỗ, mái tranh và tường đất nên bị xếp vào hạng “nhà tranh vách đất” và mỗi gia đình được hỗ trợ vài chục triệu đồng để xây nhà gạch.

Thế nên, vào làng gốm cổ Bàu Trúc, gốm vẫn còn đây nhưng muốn ngắm nhìn hay chụp ảnh ngôi nhà Chăm truyền thống thì chỉ còn cách trở về Thủ đô Hà Nội, nơi ấy mới có nhà Chăm “xịn” trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học.