Tận dụng triệt để thời gian giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - Từ 0h ngày 9-7, TP.HCM bắt đầu áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 15 ngày. Mọi người dân đều ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết; các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm thời không hoạt động... Ngoài việc tuân thủ nghiêm các quy định thì vấn đề còn lại là phải làm sao tận dụng triệt để thời gian giãn cách để kiểm soát được dập dịch.
TP.HCM quan tâm bảo đảm hàng hóa cung ứng cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội

TP.HCM quan tâm bảo đảm hàng hóa cung ứng cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội

Quyết liệt hơn để sớm kiểm soát dịch bệnh

Đây là việc nâng cao một mức nữa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà TP.HCM quyết định áp dụng nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Trong hơn 70 ngày của làn sóng dịch thứ 4 và 40 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động nhằm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Thành phố đã dừng nhiều hoạt động thiết yếu và không thiết yếu; tiến hành truy vết, xét nghiệm, cách ly, phong tỏa cục bộ; triển khai tiêm gần 1 triệu liều vaccine…

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao và mức độ giao thương rất lớn của TP.HCM với các địa phương nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn với nhiều tình huống đặc thù chưa có tiền lệ. Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố cần phải triển khai biện pháp quyết liệt hơn và việc áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là nhằm đáp ứng yêu cầu đó.

Nguyên tắc của giãn cách xã hội là cắt đứt chuỗi lây nhiễm dịch bệnh thông qua việc hạn chế tiếp xúc giữa người với người. Vì thế, việc phong tỏa phải thực hiện nghiêm đến từng hộ gia đình, theo nguyên tắc mỗi nhà đều “cửa đóng, then cài”, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết; phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch. Điều quan trọng nhất là phải nhanh chóng xác định các F. TP.HCM đã quyết định lập 22 đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội từ 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương.

Song song với truy vết là việc xét nghiệm các cộng đồng, nhóm có nguy cơ, với phương châm “Xét nghiệm nhanh, trả kết quả nhanh, truy vết và cách ly kịp thời” nhằm giảm thời gian giãn cách. Thành phố cũng đã lên kế hoạch điều trị 10.000-20.000 ca nhiễm, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế (cấp không triệu chứng, cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình và cấp bệnh nhân nặng).

Cùng chung tay với TP.HCM, Bộ Y tế và Bộ phận thường trực đã tăng cường hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn thành phố. Dự kiến, Bộ Y tế sẽ thiết lập 24 đoàn công tác để phối hợp với thành phố. Về nguồn nhân lực, hiện nay, hơn 3.300 cán bộ, nhân viên y tế từ các đơn vị thuộc Bộ Y tế, sinh viên các trường y, dược đã có mặt tại TP.HCM. Bộ Y tế cho biết sẽ ra lời kêu gọi lực lượng cán bộ y tế trên toàn quốc tham gia chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Dự kiến sẽ có 10 nghìn cán bộ, nhân viên y tế được chi viện cho TP.HCM để giúp thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực với các biện pháp luân chuyển, “đảo quân” để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại thành phố.

Cần sự chia sẻ, tin tưởng và chung tay của mỗi người dân thành phố

Giãn cách xã hội toàn thành phố là điều không ai mong muốn bởi nó sẽ làm gián đoạn nhiều hoạt động, đảo lộn nhịp sống thường ngày. Chính vì thế, đi liền với việc thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội, TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân không bị xáo trộn và ảnh hưởng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp mạnh hơn để sớm dập dịch nhưng vẫn phải đảm bảo đời sống của người dân.

Với mục tiêu duy trì ổn định cuộc sống của người dân, TP.HCM đã tập trung tăng lượng hàng hóa cung ứng cho hệ thống phân phối hiện đại, tăng dự trữ lên 120 nghìn tấn/tháng. Năng lực cung ứng của 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống được tăng cường. Ngoài ra, các tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối của thành phố sẽ tiếp nhận trung bình 4-5 nghìn tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày, giao dịch qua hình thức trực tuyến. Chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa bán đúng giá cho người dân đã được kích hoạt. Thành phố cũng thành lập đội tình nguyện hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, không có điện thoại thông minh để mua sắm trực tuyến. Với khả năng bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng như vậy, người dân không cần mua tích trữ hàng hóa, không tập trung đông người nơi mua sắm.

Công tác hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19 được TP.HCM hết sức quan tâm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của thành phố đã đề nghị cơ quan, tổ chức, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên do ảnh hưởng dịch Covid-19 để có phương án hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Người lao động mang thai và người nuôi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ thêm một triệu đồng. Trước đó, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua gói hỗ trợ 886 tỷ đồng. Cụ thể, 230.000 lao động tự do mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày, tính theo thời gian áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trước đó tại thành phố.

Cùng với chống dịch, TP.HCM còn chú trọng triển khai nhiệm vụ sản xuất với tinh thần “vừa chống dịch, vừa sản xuất”, “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”; nhanh chóng ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa để các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy và cơ sở sản xuất... tiếp tục hoạt động. Hiện thành phố đã thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động hoạt động theo phương thức vừa cách ly tại chỗ vừa sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, mặc dù các hoạt động vận tải hành khách công cộng bị tạm dừng nhưng việc vận tải hàng hóa phục vụ tiêu dùng và sản xuất vẫn được bảo đảm theo kế hoạch mà Sở Giao thông vận tải thành phố đã chuẩn bị. Các đội taxi cũng được tổ chức để sẵn sàng phục vụ những người dân phải đi cấp cứu…

Triển khai thực hiện chỉ thị 16 ở TP.HCM đang là “cuộc chiến” thực sự với dịch bệnh Covid-19. Nhiều thách thức đang đặt ra bởi sự phát triển lâu dài và an toàn cho người dân đòi hỏi phải chấp nhận những hy sinh lợi ích ngắn hạn. Nhưng với sự chia sẻ, tin tưởng và cùng chung tay của người dân TP.HCM, dịch bệnh chắc sẽ sớm bị đẩy lùi.