“Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Là FTA đầu tiên giữa Việt Nam với khu vực thuộc Top đầu về đầu tư ra nước ngoài, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA) mang tới nhiều kỳ vọng về thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư.

Những cam kết rộng mở trong EVFTA cả về thương mại và đầu tư sẽ góp phần thu hút các danh nghiệp, nhà đầu tư Châu Âu mở rộng đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Điều này vừa tạo ra thách thức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác châu Âu ngay tại sân nhà. Nhưng đây cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hợp tác, tăng cường chuyển giao công nghệ.

Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất... Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Những vấn đề này đã được trao đổi dưới nhiều góc nhìn đa dạng và sâu sắc tại Tọa đàm với chủ đề: “Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA”, do Tạp chí Công Thương thực hiện.

Dự buổi Tọa đàm có ông Đỗ Hữu Hưng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM); ông Đinh Văn Hiến - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC; và bà Đào Thu Trang - Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, từ trước đến nay khi chúng ta nói đến vấn đề lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA thì thường nói nhiều đến xuất khẩu. Nhưng nội dung của buổi tọa đàm hôm nay rất bổ ích vì sẽ nói tập trung vào các nhóm mặt hàng nhập khẩu chính từ khu vực EU.

Theo ông Hưng, không thể phủ nhận Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang 27 nước thành viên khu vực Châu Âu. Trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước khu vực EU đã đạt hơn 57 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2020 và đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2022 kim ngạch của chúng ta đã đạt trên 52 tỷ USD, tăng hơn 14% và trong đó xuất khẩu của chúng ta đã tăng hơn 23%. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bây giờ không chỉ tập trung vào các thị trường như Đức, Pháp và Hà Lan như trước đây mà các nhóm hàng xuất khẩu của chúng ta đã đẩy mạnh tăng trưởng đều cao hơn ở các thị trường khác, các thị trường nhỏ, các thị trường ngách như là khu vực Bắc Âu, Nam Âu hay là khu vực Đông Âu.

Về nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua nhập khẩu từ hai năm qua, theo ghi nhận thì tăng trưởng rất nhiều trong các nhóm chủ yếu là máy móc, thiết bị, sản phẩm linh kiện điện tử và các nguồn nguyên liệu từ khu vực Châu Âu. Bên cạnh đó nhóm hàng máy móc, thiết bị cũng đạt tỷ trọng trên 18%...

“Có thể thấy các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu các thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu từ các nước Châu Âu và những thiết bị máy móc này, những nguồn nguyên liệu này để phục vụ cho chính quá trình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa phục vụ xuất khẩu”, ông Hưng nhấn mạnh và cho rằng từ những thiết bị máy móc chất lượng tốt và nguồn nguyên liệu chất lượng tốt của EU thì nhiều doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm tăng được giá trị gia tăng và từ đó chúng ta cũng đã tăng được kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) có nhiều nhận xét xác đáng. Thứ nhất là tình hình thu hút đầu tư diễn biến tương đối tích cực. Thứ hai là nguồn vốn bổ sung từ phía EU không phải chỉ từ vốn đầu tư mà nó còn có hỗ trợ từ kênh Chính phủ với Chính phủ, tức là Liên minh Châu Âu và các Chính phủ của các nước thành viên EU cũng đã có những hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng giúp Việt Nam nâng cao năng lực đáp ứng được những tiêu chuẩn cả về thương mại, đầu tư mà phía EU cần.

Và điểm thứ ba, là trong việc thực hiện Hiệp định EVFTA gắn với giai đoạn, bối cảnh mà chúng ta đang xử lý tác động tiêu cực của đại dịch Covid. Trong cái bối cảnh ấy những kết quả đạt được còn phải được nhìn nhận một cách tích cực hơn nữa. Từ Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những sự chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kỹ năng và thực tiễn để từ đó hai bên có những hiểu biết hơn về góc nhìn của nhau cũng như tạo dựng được một môi trường đầu tư kinh doanh tương đối tương đối thuận lợi, bền vững và dễ tiên liệu ở Việt Nam.

Tại tòa đàm, bà Đào Thu Trang chia sẻ thêm về những yếu tố tại thị trường Việt Nam thu hút đầu tư nhập khẩu của doanh nghiệp châu Âu nói chung và doanh nghiệp Đức trong thời gian vừa qua; đặc biệt là khi EVFTA có hiệu lực và các doanh nghiệp châu Âu mong muốn hợp tác đầu tư và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam ở lĩnh vực nào? Đã tận dụng cơ hội EVFFTA trong việc mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Theo bà Đào Thu Trang, từ phía góc độ các doanh nghiệp Đức và cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tôi luôn đánh giá Việt Nam là một môi trường đầu tư đầy tiềm năng với vị trí địa lý chiến lược, với nền kinh tế phát triển, với một nền xã hội chính trị ổn định, dân số, trẻ ham học hỏi, năng động, linh hoạt và một yếu tố nữa mang tính thúc đẩy đó chính là những biến động trên toàn cầu, những yếu tố địa chính trị đã khiến cho các doanh nghiệp của Đức buộc phải đa dạng hóa cái chuỗi cung ứng, đa dạng hóa cái chuỗi sản xuất của mình, từ đó giảm phụ thuộc vào một đối tác hay một quốc gia.

Chính phủ Việt Nam cũng luôn mong muốn, cam kết trong việc nỗ lực để có thể tăng tính cạnh tranh, tăng tính minh bạch của môi trường đầu tư Việt Nam trong mắt nhà đầu tư của Châu Âunói chung cũng như là doanh nghiệp Đức nói riêng.

Xu hướng là phía doanh nghiệp Đức mong muốn đầu tư về những ngành sản xuất, về công nghệ cao, về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, về IT, phát triển phần mềm, ngành thực phẩm, chế biến đồ uống, điện tử và đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, bà Đào Thu Trang nêu rõ, nhà đầu tư Đức mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hàm lượng nội địa hóa; và các nhà đầu tư Đức luôn luôn mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm của họ được sản xuất tại Việt Nam không phải là 4-5% mà chúng tôi mong muốn con số 30%.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC bày tỏ: Doanh nghiệp có những bước chuyển mình sẵn sàng hòa nhập với Liên minh Châu Âu để phát huy hiệu hiệu quả kinh doanh

Ông Hiến chia sẻ, hiện tại, phần nhập những máy móc, thiết bị hiện đại CKD thì là 0%, nhưng IKD thì có khá nhiều mức thuế khác nhau thì hy vọng là có Hiệp định EVFTA các doanh nghiệp vừa cung cấp cũng như là ứng dụng giải pháp để nâng cao sản xuất sẽ có điều kiện tốt hơn để giảm giá thành đầu tư và cũng là một môi trường để coi như là giao lưu với 27 quốc gia trong Liên minh châu Âu để phát huy vai trò của nhà cung cấp, lắp đặt cũng như đầu tư để phát huy năng lực sản xuất trong nước cũng như liên minh với các quốc gia ở mảng EVIPA, tức là bảo hộ về đầu tư thì qua đấy chúng tôi cũng thấy rằng doanh nghiệp của chúng ta đã có những bước chuyển mình sẵn sàng cho việc hòa nhập với Liên minh Châu Âu để phát huy hiệu hiệu quả kinh doanh ở trong nước.