Tận dụng khiếm khuyết

ANTĐ - Năm lên 12 tuổi, Takeshi mất cánh tay trái trong một tai nạn giao thông. Mất một thời gian dài sau đó, cậu bé vẫn không thể quen được với cuộc sống chỉ có 1 cánh tay, cảm thấy vô cùng tự ti, càng ngày càng khép kín. Không muốn con trai sẽ sống trong đơn độc cả đời, bố Takeshi bèn gửi cậu bé đến một võ đường Judo nơi mình từng học trước đây, khi cậu bé bước sang tuổi 15. 

Võ sư dạy Takeshi là một thầy giáo già kinh nghiệm đầy mình. Trong suốt 3 tháng luyện tập, ông chỉ dạy Takeshi duy nhất một ngón đòn. Ngày nào cũng học nguyên một đòn ấy, Takeshi cảm thấy buồn bực khi nhìn các huynh đệ cùng võ đường được tập nhiều chiêu đẹp mắt. Có lần không kìm được, cậu hỏi thầy: “Vì sao thầy không cho con tập các đòn thế khác mà cứ quay đi quay lại chiêu này?”. Võ sư có vẻ như đã chuẩn bị trước câu trả lời, đáp: “Con chỉ cần biết một đòn thế này là đủ”.

Cuối năm đó, võ sư đưa Takeshi đi dự đại hội võ thuật toàn quốc. Cậu bé rất ngạc nhiên vì thấy mình lọt qua 2 vòng ngoài một cách dễ dàng. Vào tới vòng chung kết, dù gặp đối thủ cao lớn hơn, nặng cân hơn, nhưng cục diện trận đấu cũng diễn ra rất nhanh. Thấy đối thủ hơi lúng túng, Takeshi triển khai chiêu thức duy nhất được luyện của mình, và giành chức quán quân. Trên đường về, Takeshi vẫn còn ngạc nhiên, hỏi thầy: “Làm sao con có thể giành chiến thắng chỉ với một cánh tay được nhỉ?”. Võ sư bèn giải thích: “Thứ nhất, vì con đã gần như nắm vững được chiêu thức khó nhất của Judo. Thứ 2, theo như ta biết, để đối phó được với đòn này, cách duy nhất là đối phương phải túm được cánh tay trái của con”.

Con người không ai là toàn vẹn, nhưng nếu có thể đối mặt với những điểm yếu, dám thách thức với chính bản thân mình, xác lập mục tiêu trên chính tình trạng thực tại của mình và dũng cảm theo đuổi mục tiêu thì vẫn có thể đạt được thành công.