Tận dụng cơ hội xuất khẩu

ANTĐ - Lãi suất ngân hàng cao, khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng tác động đến nhu cầu tiêu thụ của thị trường, kinh tế trong nước khó khăn, tỷ giá tăng... đang là những trở ngại lớn của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn có thể đảm bảo sản xuất nếu biết đánh giá đúng khả năng và cơ hội.

Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có cơ hội tốt

Ông Nguyễn Văn Đô - Tổng giám đốc Công ty May xuất khẩu DHA cho biết, 90% sản phẩm của công ty xuất khẩu sang Mỹ và hiện tại doanh nghiệp không quá khó khăn về tài chính. Ông Đô cho hay Công ty DHA sử dụng vốn tự có là chính, không phụ thuộc nhiều vào ngân hàng. “Quan trọng nhất là chúng tôi luôn giữ uy tín với khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng như cam kết. Đến giờ, chúng tôi đã có đơn hàng đến hết tháng 3-2012”- ông Độ chia sẻ. Có đơn hàng, thị trường được duy trì coi như giải pháp với doanh nghiệp xuất khẩu. Và trong bối cảnh tỷ giá VND/USD tăng cao thì những doanh nghiệp ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh như vậy càng có lợi.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nếu lãi suất ngân hàng ở mức 17%, doanh nghiệp có nhu cầu vay cũng chưa chắc đã dám vay. Nguyên nhân bởi với mức lãi suất này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải mang lại lợi nhuận 20-22%. Đây thực sự là mục tiêu khó trong bối cảnh hiện tại. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng bởi không đủ điều kiện theo yêu cầu của ngân hàng, hoặc phải chấp nhận vay vốn với lãi suất trên 20%. Bên cạnh đó, tỷ giá VND/USD tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu cũng nhích lên.

Có lẽ, những doanh nghiệp gia công may mắn hơn ở thời điểm hiện tại. Mặc dù hưởng hoa hồng ít ỏi từ mỗi hợp đồng nhưng nếu giữ được uy tín với đối tác, doanh nghiệp sẽ không lo lắng về vốn. Nguyên vật liệu do đối tác cung cấp, vốn đòi hỏi không nhiều, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư cho chi phí nhà xưởng, nhân công từ ban đầu và đáp ứng các điều kiện khắt khe về chất lượng hàng hóa, yêu cầu nhân lực... Nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng được yêu cầu này sẽ mất các đơn hàng. Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Đô, để duy trì được thị trường xuất khẩu, DHA đã chấp nhận không tăng giá đơn hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu, chủ động tái cấu trúc, liên doanh liên kết... để đối phó với khó khăn hiện tại. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ phía nhà nước.

Theo ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhà nước cần có các ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp. Cũng theo chuyên gia này, các doanh nghiệp Việt Nam giống như đang ở trong một “gia đình gặp khó khăn”, “con” nào cũng cần được đầu tư chứ không riêng gì doanh nghiệp xuất khẩu. Cần đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng không nên thắt chặt tín dụng quá mức, làm doanh nghiệp “nghẹt thở”. Ông Tuấn cho rằng, cần phân loại để đầu tư, ví như doanh nghiệp nào tốt, có triển vọng thì ngân hàng nên tạo điều kiện ủng hộ. Đồng thời, những ngân hàng tốt cũng được phân loại để lựa chọn hỗ trợ cho doanh nghiệp.