TNGT nhìn từ bệnh viện(2):

Tàn đời chỉ vì muốn nhanh hơn người khác... một giây

ANTĐ - Ngoài số người bị chết vì TNGT, nhiều người dù giữ được tính mạng nhưng cũng phải chung sống cả đời với thương tật. Hầu hết khi vào viện họ đều nhận mình đi… đúng luật. Họ đã để lại cho gia đình, xã hội hậu quả vô cùng khủng khiếp.

Gánh nặng đổ ụp xuống những gia đình có người bị TNGT


Gánh nặng sau nỗi đau

“Con đường” đưa người bị nạn vào bệnh viện không ai giống ai, hoàn cảnh của mỗi gia đình cũng khác nhau nhưng khi đã nhập viện và điều trị, tất cả họ đều có điểm chung, đó là nỗi lo lắng, sự mệt mỏi và cảm giác đau đớn tột cùng. Có rất nhiều người được cứu nhưng phải sống chung với tật nguyền và gia đình họ phải đối mặt với khó khăn, những món nợ không biết đến bao giờ mới trả hết.

Ngồi bên giường cấp cứu trông đứa con gái vừa mới đỗ đại học ở khoa Chấn thương chỉnh hình, chị Nguyễn Thị Mai quê ở Hưng Yên kể lại buổi chiều cuối tuần kinh hoàng cuối tháng 10 vừa qua. Hiền-con gái chị được nghỉ học, mượn xe máy của bạn về thăm bố mẹ. Đi đến Quốc lộ 5 đoạn qua địa phận huyện Gia Lâm, Hiền bị một chiếc xe container cùng chiều ở phía sau vượt lên. Do chiếc xe container phóng với tốc độ cao và sát xe máy nên đã cuốn cả Hiền và xe máy vào gầm. Chiếc xe máy bị nghiền nát dưới bánh xe container còn Hiền may mắn văng ra ngoài thoát chết nhưng cũng bị vỡ xương chậu và gẫy tay phải. Nhà nghèo, vợ chồng chị phải bán hết những thứ trong gia đình để lấy tiền chạy chữa cho con. Cả hai vợ chồng chị người ở trên phòng, người thì vạ vật dưới sân bệnh viện luân phiên nhau chăm con.

Buổi tối, tại các khoảng sân trong bệnh viện Việt Đức có rất đông người nhà bệnh nhân. Ngồi bó gối dựa vào gốc cây bàng, bác Nguyễn Văn Dũng quê ở Hòa Bình khuôn mặt thâm quầng vì mất ngủ mệt mỏi cho biết, đã bán hết cả ruộng vườn ở quê để chạy chữa cho đứa con bị chấn thương sọ não vì TNGT. “Vay mượn bà con hàng xóm mấy trăm triệu đồng để thuốc thang chạy chữa nhưng con tôi giờ vẫn ngây ngây dại dại. Khi nó ra viện thì cả gia đình cũng chẳng biết ở đâu vì cả nhà cũng bán rồi” - bác Dũng nghẹn ngào. Cũng giống như bác Dũng, để chạy chữa cho người thân bị TNGT, nhiều gia đình đã tán gia bại sản và đau lòng hơn, người bị nạn không có khả năng hồi phục, phải sống cuộc sống thực vật.

Những con số đáng sợ

Rất nhiều người nhà bệnh nhân ngồi vật vờ trắng đêm ở hành lang các bệnh viện

Thông tin với PV, đại diện bệnh viện Việt Đức cho biết, tính trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 người bị TNGT ở các nơi chuyển đến. Con số này chiếm 60% số bệnh nhân nhập viện trong ngày và chiếm tới 75% tổng số ca phải điều trị vì tai nạn thương tích. Ngoài bệnh viện Việt Đức, các bệnh viện lớn khác như Bạch Mai, Hữu Nghị, Thanh Nhàn… cũng tập trung rất đông người bị TNGT từ nhiều nơi đổ về. Là đơn vị đầu ngành trên nhiều lĩnh vực và tiếp nhận những ca thuộc vào dạng “khó chữa” từ các tuyến dưới chuyển lên, điều này khiến cho không chỉ riêng các phòng, khoa “xử lý” bệnh nhân bị TNGT mà các phòng, khoa khác ở những bệnh viện này cũng luôn trong tình trạng quá tải người điều trị. Đông nhất vẫn là 2 khu vực điều trị chấn thương sọ não và chấn thương chỉnh hình.

Anh Nguyễn Xuân Vinh-Điều dưỡng trưởng của khoa Tim mạch lồng ngực bệnh viện Việt Đức cho biết, có ngày bệnh viện tiếp nhận tới 100 trường hợp bị TNGT. Nhiều vụ TNGT liên hoàn gây thương tích nặng cho rất nhiều người. Thống kê, trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi năm số người bị TNGT phải nhập viện tăng 10%. Đáng nói, nếu như trước năm 2005, TNGT tập trung nhiều đến người đi xe máy, xe đạp nhưng từ năm 2009 trở về đây, số TNGT liên quan đến xe ô tô tăng đột biến. Điều này cũng dễ hiểu bởi tốc độ phát triển kinh tế-xã hội đã kéo theo sự thay đổi phương tiện đi lại của người dân. Cũng theo anh Vinh, có hàng trăm nghìn lý do dẫn tới TNGT nhưng hiện nay hầu hết đều tập trung vào rượu bia và đi không đúng làn đường, phóng vượt đèn đỏ... Những bệnh nhân bị tai nạn bởi các nguyên nhân trên khi nhập viện đa phần đều bị chấn thương rất nặng, khả năng sống rất thấp.

Mới đây Bộ GTVT đã đưa ra số liệu trung bình mỗi năm có tới gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do TNGT. Riêng 10 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra hơn 11.000 vụ TNGT làm hơn 9.200 người chết, gần 8.400 người bị thương. Tai nạn giao thông còn để lại “di chứng” khó lành trong mỗi gia đình có người bị nạn.