Tận diệt cá trên sông Lô

ANTĐ - Sông Lô, biểu tượng của TP Tuyên Quang ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp còn đem lại nguồn lợi thủy sản cho ngư dân ven sông. Tuy nhiên, dòng sông Lô đang bị tận diệt bởi những đối tượng dùng kích điện đánh bắt cá trên sông...

Thả lưới bắt cá trên sông Lô


Quá khứ sung túc

Từ lâu, sông Lô đã được mệnh danh là một trong những dòng sông có, màu nước đẹp và độ sạch cao. Sông Lô cũng nổi tiếng với nhiều loại cá ngon như cá Dầm xanh, cá Anh vũ, cá Chiên...

Tận dụng những điều kiện tự nhiên sẵn có nhiều ngư dân đã mở rộng đánh bắt. Không chỉ cư dân bản địa đánh bắt cá trên sông Lô mà những người làm nghề đánh bắt cá nơi khác cũng đến đây buông câu, thả lưới. Lâu dần những cư dân ngày một đông đúc đã tạo nên những làng mạc ven sông và cả làng nổi trên sông Lô như bây giờ.

Bà Nguyễn Thị Nhường, nhà gần cầu Nông Tiến kể, bà vốn quê Hưng Yên. Những năm 70 thế kỷ mới, gia đình lên xây dựng vùng kinh tế mới. Chồng bà vốn là dân chài lưới nên cuộc đời bà cũng lênh đênh trên dòng nước đi tìm vựa cá trên sông Lô để đánh bắt.

Ngày ngủ đêm đến phụ giúp chồng quăng chài... bà không nhớ nổi đã bắt được bao nhiêu cá. “Những năm trước, cá sông Lô nhiều vô kể, chỉ đánh bắt một lúc là đầy thuyền. Nhưng hồi đó cá rẻ nên không giàu được”, bà Nhường nhớ lại.

Còn ông Bình chồng bà đã từng đụng độ với rất nhiều cá lớn. Đến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in một đêm thả lưới năm 1996. Đang lần tới đoạn gần khu vực đền Hạ bỗng ông phát hiện có một vệt nước loang loáng. Với kinh nghiệm lâu năm, ông khẽ nhấc từng đoạn lướt. Ông giật mình khi thấy một cái vây lớn cỡ chiếc quạt mo.

Biết là dính cá to ông dùng hết sức kéo lưới. Đúng lúc đó con cá kéo cả ông và chiếc thuyền độc mộc đi một đoạn khá xa... Nếu dùng tay không thì khó mà bắt được nên ông một tay giữ lưới, một tay cầm chiếc xiên sắt đặt dưới lòng thuyền nhằm hướng đầu con cá lao thẳng.

Đó một con cá Chiên lớn, sáng hôm sau ông đem lên chợ Tam Cờ cân được hơn 30kg. Không chỉ có ông Bình mới đánh được cá to mà hầu hết những người dân làm nghề chài lưới trên sông Lô đều đã đụng độ với cá lớn. Thậm chí có những người đã bắt được cả những con cá lớn gần 50kg trên dòng sông Lô thơ mộng này.

“Nhưng đó là quá khứ chứ bây giờ thì cá nhỏ cũng hiếm chú ạ”, ông Bình buồn bã nói. Để chứng thực lời ông Bình, chúng tôi dạo một vòng quanh khu vực bán cá của những người dân làm nghề chài lưới trên sông Lô vào mỗi buổi sáng. Rất nhiều loại cá nhưng các loại nhỏ chiếm chủ yếu, thỉnh thoảng mới gặp một vài con cá cỡ vài kg trở lên nhưng số nhiều được chuyển từ nơi khác đến.

Nguy hại hơn, theo ông Bình và người dân nơi đây, hầu như những loài cá quý từng là đặc sản sông Lô gần như đã tuyệt chủng vì rất lâu rồi người ta không còn thấy nữa.

Bà Nhường buồn bã vì sông đã cạn kiệt cá

Nguyên nhân từ kích điện, ô nhiễm

Khi điện cao áp trên các trục đường của TP Tuyên Quang lên đèn cũng là lúc dân làng chài “xuất quân” đánh cá đêm. Sở dĩ họ chọn đánh cá đêm là bởi vào thời điểm này sông yên tĩnh cá sẽ đi nhiều. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là họ tránh mặt các cơ quan chức năng vì số nhiều ngư dân dùng kích điện tận diệt cá.

Trong lần uống rượu với một người mới quen làm nghề chài lưới trên sông Lô, tôi năn nỉ mãi gã mới đồng ý cho tôi đi cùng. Trước khi lên thuyền, gã dặn phải ngồi yên tránh làm động nước.

Công cụ đánh cá thật đơn giản với một chiếc đèn pin đeo trên đầu, một bình ác quy, kích điện gắn với một chiếc vợt bằng nhôm. Gã bảo: “Đơn giản thế thôi nhưng có khi lại hiệu quả hơn khối người với đầy đủ các loại lưới, vó, hay chài đấy!”. Chúng tôi bắt đầu xuất phát từ chân cầu Nông Tiến và men theo bờ xuống phía dưới...

Gã vừa đạp tay chèo bằng chân vừa dùng tay dúi chiếc vợt nhôm có cán dài xuống dòng sông làm nước sủi bọt, chốc chốc lại thấy một vài con cá ngửa bụng vùng vẫy, gã đưa vợt ra vớt lấy đưa lên thuyền.

Cách đánh cá bằng kích điện loại nhỏ trên chẳng thấm tháp vào đâu nếu nước sông Lô đầy và những đoạn sâu sẽ khó đánh được cá. Chính vì thế những bộ kích dùng máy nổ được chuộng dùng hơn. Có thể bắt gặp những đoàn thuyền dàn hàng ngang trên sông để đánh kích điện.

Không chỉ dùng kích điện để đánh bắt cá vào đêm tối những ngày nước nổi, nước đục, cá trên sông Lô đi nhiều người dân TP Tuyên Quang còn gặp những đoàn thuyền dùng kích điện liều lĩnh và ngang nhiên  đánh bắt cá giữa ban ngày. Tuy nhiên nếu để ý thời gian dễ bắt gặp ngư dân đánh bắt cá bằng kích điện là vào sáng sớm và chiều muộn.

Đó có lẽ là lý do mà nhiều hôm, người dân thành phố ra bờ sông Lô thường gặp nhiều loại cá chết trắng nổi dọc bờ. Nhiều người không biết thì tưởng cá bị bệnh. Những người nuôi cá bè vội đi mua thuốc phòng bệnh và khử trùng.

Tuy nhiên, việc cá trên sông ít đi và có dấu hiệu cạn kiệt không chỉ do khai thác đánh bắt bằng xung điện mà nguyên nhân ô nhiễm cũng rất đáng quan tâm. Nhiều đoạn, sông Lô ngập ứ rác thải với đủ loại phế thải, từ túi nilon đến xác vật phân hủy và các loại chai lọ… Nhiều buổi giữa trưa, nước sông bốc mùi hôi thối.

Chưa hết, từ trên thượng nguồn, nước thường xuyên ô nhiễm do lượng nước thải từ các nhà máy không hoặc chưa được xử lý nên thường xuyên tuồn xuống hạ lưu một lượng lớn nước hóa chất, khiến cả một quãng sông dài ô nhiễm, cá chết nổi trắng một vùng.