Tan đàn xẻ nghé vì... bất lực và "yêu" quá khoẻ

ANTĐ - Mâu thuẫn vợ chồng ngày càng căng thẳng, trầm trọng, những sợi dây tình cảm gắn kết giữa hai người mong manh dần, cuộc sống chung trở thành địa ngục…

Đó có thể coi là những lý do cơ bản nhất, kinh điển nhất khiến những đôi vợ chồng bị dồn tới bờ vực của sự ly hôn. Trên thực tế, tuy không phải là nhiều, nhưng cũng có những vụ ly hôn mà nguyên do của nó lại là những điều vô cùng khó nói…

Long Biên là một quận mới của Hà Nội, sắp bước sang tuổi thứ 8 nhưng đã mang trên mình những dấu ấn của một khu đô thị hiện đại. Những cây cầu hoành tráng đã nối hai bờ sông Hồng khiến sự qua lại nơi đây trở nên đơn giản, thuận lợi hơn. Cuộc sống ngày càng cải thiện nhưng mối quan hệ tình cảm giữa con người với con người cũng trở nên khác trước nhiều. Đó chính là điều khiến tôi ngạc hiên hơn cả khi tìm hiểu về thực trạng ly hôn ở quận này.

Trong năm 2011, toàn quận có tới 424 vụ ly hôn. Nếu tính trung bình, mỗi năm TP Hà Nội có trên dưới 6.000 vụ ly hôn thì rõ ràng, ở quận Long Biên, đó là một con số không hề nhỏ. Xót xa hơn cả, nhiều cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa đa phần trong độ tuổi từ 25-35. Nghĩa là còn rất trẻ. Những va vấp, những xung đột, những bước ngoặt trong đời sống, những cám dỗ nguy hại đã khiến những con người trẻ đó không còn đủ sự tỉnh táo cần thiết để bước qua. Và họ chấp nhận sự tan vỡ như một điều tất yếu.

Nguyên nhân của những cuộc chia tay đó thì rất nhiều. Nhưng một nguyên nhân chiếm tỷ cao nhất tới 30% chính là việc một trong hai bên... chán cơm nhà. Còn các nguyên nhân khác cũng khá phổ biến như: Quan điểm bất đồng, chồng nghiện rượu, ma túy, cờ bạc, bạo lực gia đình, xung đột mẹ chồng nàng dâu, không có con chung... trong số những cặp vợ chồng chia tay, tôi để ý tới một nguyên nhân khá đặc biệt, đó là sự lệch pha trong quan hệ vợ chồng. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng nó cho thấy quan hệ vợ chồng giờ đây cũng “sòng phẳng” hơn, họ có quyền bảo vệ hạnh phúc cho mình và tất nhiên, khi quyền đó không được thực hiện thì sự đổ vỡ là khó tránh khỏi.

Tan đàn xẻ nghé vì... bất lực và "yêu" quá khoẻ ảnh 1

Từ chuyện khổ vì “lực bất tòng tâm”

Anh Nguyễn Thế H đã sang tuổi 52, còn vợ anh, chị Trần Bích T cũng đã 45. Họ có thể coi là điển hình của một gia đình công chức thành đạt. Hai con họ, một gái, một trai đều tốt nghiệp đại học, hiện đang làm việc ở nước ngoài. Nhìn vào, ai cũng nghĩ họ chẳng có điều gì phải lo lắng, bận tâm vì những mục tiêu cơ bản nhất của đời người đều đã hoàn thành. Vậy mà, đùng một cái, anh H đệ đơn ra tòa xin ly hôn.

Suốt 3 lần hòa giải, khi thẩm phán và thư ký hỏi về những lý do đẩy hai người đến sự chia tay, cả hai chỉ nói là không hợp nhau, quan điểm bất đồng, mâu thuẫn kéo dài từ hơn một năm nay không thể giải quyết được. Hỏi tiếp về mâu thuẫn, anh H cho rằng chị T đã phản bội mình, cặp bồ không chỉ với một mà nhiều đàn ông khác. Điều khiến cán bộ tòa án ngạc nhiên lại chính là việc chị T, một phụ nữ sang trọng, kiệm lời lại không phủ nhận điều này.

Phải đến lần thứ 5, khi chỉ có chị T được mời đến tòa, chị mới nói thẳng tất cả những điều chị chất chứa trong lòng mà nếu không nói ra, chắc sẽ không ai hiểu và thông cảm được về cái sự “lăng nhăng” của chị. Hơn 2 năm nay, quan hệ giữa chị và anh H gần như bị đóng băng. Chị thì đang trong độ tuổi hồi xuân, nhu cầu gần gũi còn nhiều trong khi anh H mỗi lần đi làm về là thấy rõ sự mệt mỏi trên khuôn mặt. Cùng với nó là rất nhiều lý do khác khiến hai người không thể có hứng thú chuyện ấy nữa. Thời gian đầu, chị T còn cả nghĩ, nhưng về sau, chị không bận tâm điều đó. Ở ngoài đời, chị là mẫu phụ nữ mà nhiều đàn ông thích và để thỏa mãn riêng việc đó thì đâu phải là khó?

...Chính tôi cũng không thể ngờ anh ấy lại thay đổi như thế. Mỗi tối, anh ấy thường lên giường trước, nằm cong queo như một con mèo hen. Có lần tôi chủ động, anh ấy nằm yên, không đồng tình cũng không ra phản đối. Chúng tôi đã nhiều lần nói thẳng với nhau chuyện này, nhưng anh ấy thường đánh trống lảng. Tôi biết, một người đàn ông cảm thấy bị xúc phạm thế nào khi nói về điểm yếu của mình. Rồi anh ấy cũng cố, nhưng “lực bất tòng tâm” bản năng làm vợ mách bảo tôi rằng, những nỗ lực ấy đến một lúc nào đó cũng cạn kiệt. Khi quan hệ vợ chồng không thể hòa hợp chuyện đó thì rõ ràng những mâu thuẫn xảy ra cũng là chuyện bình thường - chị T đã tâm sự thật lòng như thế.

Đến lúc này, bí mật về những bất hòa đó mới hé lộ. Không muốn sự đổ vỡ xảy ra, thế là thẩm phán kiêm luôn chức năng “tư vấn” với một loạt các giải pháp tình thế như: sử dụng công cụ hỗ trợ, uống thuốc, gặp gỡ bác sĩ tâm lý để có được những lời khuyên cụ thể... Cả anh H và chị T đều thấy thoải mái trước sự tư vấn có phần “táo bạo” này. Nhưng rồi, hai tháng sau, họ lại đến tòa khăng khăng đòi ly hôn, bởi là người trong cuôc, họ hiểu rằng, khi đã không thể mang lại hạnh phúc cho nhau thì tốt nhất không nên kéo dài hôn nhân, nó không chỉ gượng ép mà đôi khi còn làm tổn thương đến nhau.

Tan đàn xẻ nghé vì... bất lực và "yêu" quá khoẻ ảnh 2

Đến chuyện điêu đứng vì sự... quá tải

Trái ngược với bi kịch của cặp vợ chồng trên lại là câu chuyện của đôi vợ chồng Đào Thanh K và Lê Ngọc B. Anh K năm nay vừa bước sang tuổi 36, còn chị B tròn 30. Nhưng khi cả hai có mặt ở tòa thì mọi người lại vô cùng ngạc nhiên bởi K có phần trẻ hơn so với tuổi, trong khi chị B tưởng đã bước sang tuổi 40.

Anh K tướng mạo cao ráo, nước da ngăm ngăm, mái tóc xoăn như bị ép vào đầu. Chiếc quần bò màu nhạt cùng với áo sơ mi kẻ caro trông anh như một thanh niên chưa phải nếm trải bi kịch gia đình. Bên cạnh anh, chị B người thấp, khuôn mặt dài, chân tay khẳng khiu, ngực lép, dấu hiệu của một người suy kiệt.

Trước khi kết hôn, K là lái xe cho một công ty xây dựng. Công việc vất vả, thu nhập không ổn định nên sau khi cưới chị B, anh chuyển sang làm cho một công ty vận tải hàng hóa. Mỗi ngày chỉ làm 4 tiếng từ 20-23h. Cả ngày anh có thể ở nhà, nhận chở khách đi lễ những địa điểm gần hoặc bổ túc cho những người đang tập lái xe ôtô. Chị B trước đó là công nhân một công ty may, sau khi kết hôn và có con, chị xin nghỉ, thuê một cửa hàng gần nhà bán tạp hóa. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ấy bước đầu đâu có gì đáng để phàn nàn?

Nhưng rồi, đến một ngày, sự chịu đựng chất chứa trong lòng người vợ đã bị đẩy tới đỉnh điểm, chị không thể chịu đựng thêm được nữa và quyết định mang đơn ra tòa với hy vọng, với quyết định của tòa, chị sẽ trở thành người tự do và có cơ hội bắt đầu một cuộc sống mới.

... Khi mới kết hôn, quan hệ giữa hai vợ chồng khá hòa hợp. Ngày nào chúng tôi cũng quan hệ, sáng hôm sau vẫn thấy anh ấy khỏe mạnh, có thể làm được những việc nặng nhọc. Trong khi mấy đứa bạn tôi đến nhà, lúc chỉ có cánh phụ nữ với nhau, chúng nó hỏi tôi về chuyện ấy, cả bọn mắt tròn mắt dẹt nói là... hơi nhiều. Có lẽ vì quá quen với những việc ấy nên tôi cũng thấy hết sức bình thường.

Nhưng từ khi anh ấy chuyển sang cơ quan khác, thời gian ở nhà nhiều hơn, tôi bắt đầu thấy có những dấu hiệu bất ổn. Hầu như ngày nào anh ấy cũng muốn tôi phải đáp ứng 2 lần, vào lúc 12 giờ đêm và 6 giờ sáng. Thậm chí có ngày tới 3 lần. Có lần anh ấy ngon ngọt, bảo tôi chiều anh ấy, nhưng cũng có lần, anh ấy yêu cầu tôi phải đáp ứng thật nhanh. Thú thật, con người chứ có phải cỗ máy đâu. Hơn nữa, sức khỏe tôi cũng ngày càng giảm sút. Nhiều buổi sáng, trời rét căm căm, tôi vẫn phải dậy thật sớm ra đường, nói lý do đi mua hàng để “trốn” anh ý. Nhưng tôi đâu có mua hàng mà ra bến xe, ngồi ở hàng nước chờ cho trời sáng rõ, lúc đó mới đi gom hàng chở về nhà.

Sau những lần đó, tự nhiên tôi thấy buồn kinh khủng. Tôi có cảm giác quan hệ giữa hai vợ chồng không phải là tình yêu nữa mà thuần túy chỉ là xác thịt. Thậm chí, anh ấy đã vô tình biến tôi thành một công cụ để thỏa mãn. Bởi hôm nào được việc thì vui vẻ, còn không thì mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia. Như một sợi dây bị kéo căng đến tận cùng, đến một ngày, tôi tuyên bố là không thể đáp ứng được nữa và nếu tình trạng này còn kéo dài, chắc tôi sẽ phải vào bệnh viện. Giải pháp tốt nhất là hai người chia tay. Có thể anh ấy sẽ may mắn tìm được một người phụ nữ hòa hợp hơn trong chuyện chăn gối. Còn tôi, tôi thật sự thấy sợ...

Ba tháng trời, sau nhiều cuộc hòa giải, cả hai vợ chồng vẫn kiên quyết ly hôn. Vậy thì còn lý do gì nữa để nhà tòa gạn đục khơi trong, cố níu kéo một cuộc hôn nhân có trục trặc như thế. Sau khi ra quyết định thuận tình ly hôn, mấy thẩm phán ngồi nói đùa với nhau: Ông trời thật oái oăm. Cứ bắt những đôi đũa lệch ấy phải sống với nhau để rồi sớm hay muộn, họ cay đắng nhận ra rằng, hôn nhân không phải là thiên đường như họ tưởng...

Tan đàn xẻ nghé vì... bất lực và "yêu" quá khoẻ ảnh 3

Lời kết

Thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình trong thời gian qua cho thấy, án ly hôn có dấu hiệu ngày càng gia tăng, chiếm số đông là những người trẻ tuổi và những người được coi là có học vấn, hiểu biết pháp luật.

Cùng với những bi kịch ấy, chúng tôi cũng tìm được một tin vui khi khảo sát tại TAND TP Hà Nôi. Rất nhiều cặp vợ chồng trước khi ra tòa đã từng tuyên bố: “nhìn nhau như kẻ thù” và “không thể sống chung với nhau dù chỉ một phút”. Thế nhưng, khi đã bình tĩnh ngồi với nhau bên bàn hòa giải, được nghe phân tích phải trái một cách hợp tình, hợp lý của cán bộ tòa án, họ lại thấy có thể tha thứ được cho nhau và tiếp tục về chung sống. Song, để quan hệ ấy tồn tại và khép lại những đau buồn trong ký ức thì lại rất cần sự nỗ lực từ hai phía. Có thể nói, 35% số vụ ly hôn đã được hòa giải thành từ những nỗ lực như thế của ngành Tòa án.

Khi con người ngày càng hiểu biết, họ có quyền bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình, kể cả những chuyện thầm kín nhất. Mặt khác, sự phát triển của khoa học kỹ thuật với những thành tựu của y học cũng là những điều kiện thuận lợi để điều chỉnh, tháo gỡ những trục trặc trong quan hệ vợ chồng, miễn là cả hai cùng đồng thuận, quyết tâm.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này chính là hậu quả từ những vụ ly hôn. Sau đổ vỡ, vết thương rồi sẽ lành, nỗi đau rồi sẽ nguôi, người chồng sớm tìm cho mình một cô gái trẻ khác, người vợ cũng lau mắt để đón nhận hạnh phúc mới. Mọi nỗi đau lúc đó sẽ trút lên đầu những đứa trẻ vô tội. Dù chúng ở với ai thì vẫn thiếu hơi ấm từ vòng tay của những người làm cha, làm mẹ. Và nếu không được chỉ bảo, uốn nắn kịp thời, những đứa trẻ ấy rất có thể phát triển lệch lạc về nhân cách hoặc nguy hiểm hơn là sa ngã vào các tệ nạn. Vì thế, hãy nhìn lại những đứa con mình và suy nghĩ thật kỹ trước khi ký vào đơn ly hôn. Bởi đôi khi, để có được sự tự do cho mình mà hủy hoại những điều lớn lao khác thì đó là một cái giá quá đắt.