Tám trăm năm tìm về làm người Việt
(ANTĐ) - Vậy là sau gần tám trăm năm từ cuộc vượt biển của Kiến Bình Vương - Lý Long Tường, chàng hoàng tử họ Lý quyết ra đi để tránh cảnh “Nồi da xáo thịt”, bây giờ một ngày tháng 5 năm Canh Dần này, người đầu tiên trong số con cháu của đoàn người vượt biển năm xưa là Lý Xương Căn đã được Chủ tịch nước quyết định cho lấy lại quốc tịch Việt Nam… Tám trăm năm Hà Nội lại có một người lưu lạc trở về nhập hộ khẩu…
Ngày 22-6 máy điện thoại của tôi đổ chuông. Một giọng nói không sõi tiếng Việt vang lên. Tôi là Lý Xương Căn đây. Nhớ không? À. Nhớ rồi. Có việc gì cần không? Tôi gọi cho anh để thông báo tôi đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Giọng Lý Xương Căn đầu dây bên kia vui vẻ và tiếng Việt đã khá hơn nhiều so với dạo năm 2004. Còn nhớ lần ấy đến thăm nhà Lý Xương Căn ở khu Nam Thành Công, hầu như chúng tôi bất đồng ngôn ngữ. Chỉ có cậu út là Lý Việt Quốc có thể làm phiên dịch cho cả hai bên vì Quốc học tiếng Việt nhanh hơn cả nhà.
Anh chị Quốc cũng chỉ võ vẽ, còn ông chủ Lý Xương Căn thì cực kỳ… trọ trẹ. Chưa nói ông nội Quốc là ông Lý Khánh Huân thì mù tịt tiếng Việt, chỉ ngồi nghe nói chuyện bằng tiếng Việt mà bất lực… Tuy vậy không khí đầu xuân nên cả nhà vui như Tết. Ba con Lý Xương Căn thì cô chị xinh như diễn viên Hàn Quốc, còn cậu thứ hai thì phục phịch tựa diễn viên Minh Béo. Sau cùng là Lý Việt Quốc.. .
Bây giờ thì Lý Xương Căn tự tin gọi cho tôi bảo đã nhập quốc tịch Việt Nam. Tin ấy vui quá đi chứ. Một người sau gần tám trăm năm nay quy cố quốc, lại được quê hương xứ sở đón nhận, cho mang quốc tịch Việt tức là Nhà nước đã công nhận sự trở về đoàn tụ của Căn tại cố quốc. Chưa hết, chiều nay Căn lại gọi cho tôi bảo nhắn tin gửi địa chỉ e-mail cho anh để anh gửi giấy mời dự buổi lễ công bố cuốn sách về Hoàng Thúc Lý Long Tường và công bố luôn quyết định của Chủ tịch nước cho Căn được nhập quốc tịch Việt Nam. Nửa tiếng sau tôi nhận được e-mail của anh. Căn gửi thư mời họp báo...
Gia đình Lý Xương Căn tại Hà Nội |
Năm 1994, Lý Xương Căn tìm về Việt Nam lên Đình Bảng thắp hương ở đình làng rồi ra đến Đô lễ Chín vị vua Lý. Tất nhiên dòng họ Lý đã tính cả Lý Chiêu Hoàng như một đời vua, dù ngắn ngủi và để lại ít nhiều sầu hận. Đó là cuộc trở về tìm lại gốc gác của mình sau gần 800 năm lưu lạc. Cũng vì đất nước ngày hôm nay đã yên bình dựng xây. Ông Lý Khánh Huân, cha đẻ Lý Xương Căn có lần đã tìm về Việt Nam nhưng đất nước khi ấy còn chia cắt, từ Sài Gòn chỉ biết vái vọng cố hương mà thôi. Cuộc trở về của những người con dòng họ Lý như một tín hiệu vui “đất lành chim đậu”. Là con cháu Vua Lý, lẽ nào đứng ngoài Tổ quốc nhìn về. Phải đóng góp một cái gì đó cho quê hương. Quyết tâm ấy đã và đang hiện thực hóa với Lý Xương Căn hay Lý Tường Tuấn và những người họ Lý ở Hàn Quốc.
Tôi nhìn kỹ Lý Xương Căn để tìm dấu vết gì đó người Việt nơi anh. Thôi rồi, mang dòng máu Việt, gương mặt Việt và hình như cốt cách Việt dần hiện ra nơi anh: Chân tình, cởi mở, chăm chỉ và hồn hậu. Chúc mừng Lý Xương Căn! Anh mừng rỡ bắt tay tôi. Mình chính thức hôm nay là người Việt 100% rồi đấy. Căn bảo tôi thế. Đúng rồi. Từ tám trăm năm trước đã 100% người Việt và bây giờ là 100%. Dòng máu anh hùng vẫn chảy trong huyết quản những người con xa cố quốc nghìn dặm nhưng lòng lúc nào cũng hướng về Nam.
Năm nào Lý Xương Căn cũng về Lễ đền Đô nơi thờ các vị vua Lý. Trong hương khói ngút ngàn, người trai ấy đã từng khấn trước vong linh Vua Lý rằng cây có cội, nước có nguồn. Giờ đây chúng con những hậu duệ nhà Lý về Việt Nam để chung tay xây dựng đất nước. Cầu xin anh linh tiên tổ chấp nhận và giúp đỡ cho những người con họ Lý trở về đoàn tụ. Lý Xương Căn đã được các vị lãnh đạo đảng Nhà nước gặp gỡ nhiều lần. Sự ân cần và thái độ ấy là niềm tin cho những cuộc trở về trong ấm áp tình dân tộc. Có lần tôi thấy anh tặng Tổng Bí thư Đỗ Mười bức trướng mang đôi câu đối thể hiện tâm nguyện những người con Việt ở xa xứ.
Thân ở nơi xã muôn vạn dặm/Hồn lưu Tổ quốc xứ Việt Nam. Vâng! Thân có thể ở xa Tổ quốc nhưng tâm hồn luôn nhớ về quê hương Việt Nam yêu dấu. Lần ấy Lý Xương Căn đã mời người đồng hương lớn của mình quê làng Đình Bảng là Chủ tịch quốc hội Lê Quang Đạo cùng phu nhân sang thăm Hàn Quốc, thăm những làng họ Lý Việt Nam bên ấy. Bà Nguyệt Tú kể rằng chuyến ấy, vợ chồng bà đi với tư cách đi riêng, không phải là chuyến thăm chính thức nên được gặp gỡ bà con họ Lý và thăm thú thoái mái.
Bao giờ rừng Báng hết cây/ Sào Kê hết nước Lý nay lại về… Một vị cán bộ di tích tỉnh bảo Rừng Báng là rừng gần Đình Bảng xưa rậm rạp lắm nhưng giờ đã thành ruộng lúa, xóm làng. Sào Khê là con sông đẹp chảy qua Từ Sơn - Đình Bảng thì nay chẳng thấy sông suối đâu. Còn chăng vài vũng nước trâu đằm. “Vật đổi sao dời”. Bao nhiêu biến thiên dâu bể trong gần tám trăm năm ấy. Vậy thì hai cái câu kia “ứng” rồi còn gì.
Và Lý nay lại về như câu sấm dân gian ấy, Lý Xương Căn đã đặt chân lên đền Đô ngày 18-5-1994. Mười sáu năm sau, năm 2010, anh chính thức là người Việt. Tôi đồ rằng từ ngày đẻ Lý Việt Quốc ở Hà Nội, Lý Xương Căn đã nghĩ đến việc sẽ nhập quốc tịch Việt. Cái tên đứa con anh: Việt Quốc, rồi cái tên Công ty Việt Lý đã cho thấy ý tưởng hòa nhập đất mẹ từ ngày về. Tất cả là một tình yêu Tổ quốc. Cái còn lại là anh đã và đang đóng góp gì cho Tổ quốc mình.
Linh Thu