Tâm sự lính nhà giàn

ANTĐ - Sống giữa mênh mông sóng nước đương nhiên là khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nhưng với lời thề thiêng liêng trước nhân dân là gìn giữ chủ quyền biển đảo, họ đã vượt qua mọi trở ngại để sống vui tươi, yêu đời. Họ luôn có những hy sinh thầm lặng, những riêng tư gác lại cho nhiệm vụ lớn, cho những mùa xuân bình yên trên vùng biển Tổ quốc.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đồng đang ghi nhật ký

Kiên cường và giàu tình cảm

Những ngày đầu cuộc sống trên nhà giàn còn khó khăn, người lính xa nhà chỉ trông vào những lá thư từ đất mẹ mà có khi 2 tháng trời mới được nhận. Sóng gió mùa biển động đôi khi còn tràn cả lên sàn nhà giàn. Nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt rất khan hiếm, lặng sóng mới câu cá cải thiện được. Thiếu tá Nguyễn Văn Đồng - chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/7 cho biết đợt này anh ra thay ca cho đồng đội về ăn tết. Ra nhà giàn lần đầu năm 1997, 16 năm nay Thiếu tá Nguyễn Văn Đồng không nhớ rõ mình đã đi bao nhiêu chuyến nữa. “Gần ba phần tư thời gian là ăn tết ngoài giàn!”, anh Đồng nói.

Với sự đầu tư chăm chút của đất liền, nhà giàn giờ không thiếu thứ gì. Ti vi, tủ lạnh, hội trường, đất trồng rau xanh, sân thượng, các dụng cụ phục vụ cho rèn luyện cơ thể đến cả sóng điện thoại họ cũng có. Nhưng khó khăn nhất của người lính nhà giàn là nỗi khổ xa nhà. Trung bình mỗi năm những người lính như anh Đồng ở nhà giàn đến 8 tháng, về đất liền vẫn làm chuyên môn bình thường. Nhà ở Bình Dương, mỗi khi anh Đồng đi nhà giàn, công việc bộn bề của gia đình cùng 2 con nhỏ lại trông vào đôi vai người vợ giáo viên. “Lính nhà giàn khó lấy vợ vì hay xa nhà, 34 tuổi tôi mới lập gia đình. Mãi rồi cũng thông cảm, cô ấy giờ là “tư lệnh” hậu phương lớn, đi cũng yên tâm phần nào”, anh Đồng chia sẻ.  Quê tận Hà Tĩnh, bố bị liệt đã 2 năm nay, anh Đồng xúc động kể: “Bố tôi bảo, con không phải lo cho sức khỏe của bố. Cứ vững tâm đi làm nhiệm vụ”. Câu nói đó luôn đi theo anh như một lời nhắc nhở.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đồng đã viết hàng chục quyển nhật ký để giải tỏa phần nào những cảm xúc của mình. Mỗi quyển được viết riêng cho con, cho vợ, cho đồng đội, cho chính mình… Trong gian khó, thiếu vắng ấy, tình đồng chí luôn ấm áp trên các nhà giàn. Nhiều anh em sẵn sàng nhường nhau các kỳ nghỉ phép, thậm chí cả kỳ về đất liền. 

Cũng vì ít được giao lưu nên lính nhà giàn rất hay làm thơ. Có những bài thơ đã nổi tiếng, nằm trong sổ tay bất kỳ người lính nhà giàn nào. “Bao đêm anh ở nhà giàn/Biển trời thấp thoáng muôn ngàn vì sao/Sóng đêm nỗi nhớ cồn cào/Gió đưa hơi thở dội vào phương em…”, những cảm xúc chân thực, mộc mạc nhưng không kém phần da diết như chính những người lính nhà giàn kiên cường nhưng giàu tình cảm.

Thiếu uý Nguyễn Văn Cường chuẩn bị lên nhà giàn nhận nhiệm vụ

Đám cưới “made in” lính nhà giàn

Thiếu úy Nguyễn Văn Cường (24 tuổi, Chính trị viên nhà giàn DK1/16) vừa đăng ký kết hôn xong thì nhận lệnh lên đường ra nhà giàn. Đám cưới phải tạm hoãn, nhưng Thiếu úy Cường quả quyết: “Em không buồn anh ạ, đi xong đợt này bọn em cưới. Lính nhà giàn nên lúc nào em cũng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Vợ em cũng rất thông cảm”. Vợ Cường là cô giáo dạy văn, cùng quê Hà Tĩnh với Cường, hai huyện cách nhau đến hơn trăm kilômét. Yêu nhau 7 năm, phần lớn thời gian là xa nhau. Cường nhớ mãi lần vào Huế thăm bạn gái, vì xe đến muộn phải ngủ ở công viên mấy tiếng đồng hồ mới gặp được bạn gái. Để thuận tiện công việc cho người yêu, cô gái vừa tốt nghiệp đã xin vào Vũng Tàu làm giáo viên dạy văn. “Chia tay nhau lên đường, bọn em chỉ nắm tay và nhìn nhau thôi, không cần nhiều lời anh ạ”, Thiếu úy Cường tâm sự. Thế đấy, tình yêu người lính sao mà đơn sơ đến thế. Chỉ vậy mà người ta có thể chờ nhau đến hàng chục năm như trong thời chiến. Họ sẵn sàng đảm việc nước, lo việc nhà để chồng làm nhiệm vụ.

Lần đầu tiên ra nhà giàn, lần đầu tiên đi tàu, lần đầu tiên ăn tết ngoài biển, trên đường ra nhà giàn DK1/16 nhận nhiệm vụ, Thiếu úy Cường cũng bị say sóng không kém chúng tôi. Thế mà Cường vẫn nói : “Em tuổi Quý Tỵ, làm lính nhà giàn là hợp nhất rồi anh ạ”. Trong đêm sóng dữ dội, Cường nằm kể cho tôi nghe chuyện về người lính nhà giàn mà Cường rất thích. Đó là chuyện tình yêu của Trung úy Nguyễn Việt Dũng, nhà giàn DK1/2. Sau nhiều sóng gió, Trung úy Dũng và người yêu quyết định tổ chức đám cưới vào ngày 24 tết (năm 2008). Lúc đó toàn bộ đám cưới đã chuẩn bị đầy đủ. Bộ vest tinh tươm chỉ đợi chú rể từ nhà giàn về là mặc. Đúng lúc đó ngoài biển, sóng to gió lớn không thể cập thuyền, Trung úy Dũng phải xuống thuyền bằng cách đu dây. Về đến nhà, đám cưới đã xong ba ngày. Đêm tân hôn không chú rể, cô dâu ôm gối nằm khóc một mình… “Đến năm 2010, anh chị ấy mới làm đám cưới lại anh ạ, giờ vẫn hạnh phúc lắm. Đấy, yêu thế mới là yêu chứ”, Thiếu úy Cường tâm đắc.

Nhiều lính nhà giàn do bận công tác giờ vẫn “phòng không”, nhiều người mải mê với công việc mà tóc đã bạc vẫn chưa chịu lấy vợ. Màu tóc ấy là màu của những đêm trắng trực nhà giàn trong bão tố, màu của thời gian, màu của sự hy sinh thầm lặng… Hạnh phúc đôi khi là những điều tưởng chừng giản dị nhất quanh ta, như mỗi dải san hô, mỗi vùng biển bình yên của tổ quốc.