Tấm séc khổng lồ "chống khủng bố"

ANTD.VN - Kể từ sau vụ tấn công ngày 11-9-2001, Chính phủ Mỹ đã chi tới 3,6 nghìn tỷ USD cho an ninh nội địa. Chi phí cho mục tiêu chống khủng bố đang trở thành gánh nặng quá mức với nước Mỹ.

Tấm séc khổng lồ "chống khủng bố" ảnh 1Cấp cứu nạn nhân trong vụ nổ súng tại căn cứ quân sự ở Fort Hood, bang Texas, Mỹ

Báo cáo do Viện các Vấn đề Công cộng và Quốc tế của trường Đại học Brown ở bang Rhode Island cho biết, trong 2 năm qua, khoản chi tiêu với lý do là để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ đã tăng mạnh, đặc biệt là tăng thêm tới 300 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015. Nếu tính cả dự kiến chi tiêu cho năm 2017, tổng chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố sẽ lên tới con số khổng lồ 4,79 nghìn tỷ USD.

Sẽ không xảy ra việc này nếu như không có chuyện các nghị sĩ Quốc hội đồng ý cấp cho Lầu Năm góc và một số cơ quan liên bang khác hàng tỷ USD sau sự kiện 11-9, song lại không đưa ra lời giải cho bài toán lấy nguồn kinh phí này từ đâu. Trong các cuộc chiến tranh trước đây, chính phủ liên bang áp dụng cơ chế “thực thu thực chi”, trong đó gồm các biện pháp như áp thuế chiến tranh hay phát hành trái phiếu chiến tranh. Tuy nhiên, cơ chế này không thể được áp dụng đối với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Kiểu ký séc khống như vậy đã dẫn đến tình trạng lạm dụng ngân sách an ninh nội địa khá tràn lan. Những chương trình hệ thống vũ khí tốn kém, đôi khi không giúp ích gì cho cuộc chiến chống khủng bố là thủ phạm khiến ngân sách quốc phòng Mỹ ngày càng phình to. Ngoài ra, tình trạng gian lận và lạm dụng trong công trình tái thiết cũng đã làm thất thoát hàng tỷ USD, đặc biệt là tại Afghanistan.

Hệ quả là hiện nay, nợ công của Mỹ tăng vọt. Từ chỗ có thặng dư lớn vào năm 2000, nay tuy vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về kinh tế, nhưng Mỹ cũng đang là “con nợ” lớn nhất toàn cầu (đang tiến gần tới ngưỡng 20 nghìn tỷ USD). Theo ước tính, tới năm 2023 chỉ riêng tiền lãi phải trả cho các khoản chi phục vụ các chiến dịch đánh đòn phủ đầu ở nước ngoài sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng thêm hơn 1 nghìn tỷ USD. Và tới năm 2053, tiền lãi phải trả cho các khoản chi chống khủng bố cũng lên tới ít nhất là 7,9 nghìn tỷ USD nếu như Mỹ không thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh.

Chưa hết, theo bà Bilmes, Giáo sư thuộc trường Quản lý hành chính công John F.Kennedy, phần lớn nhất của hóa đơn vẫn chưa được thanh toán. Đó là chi phí y tế dành cho 886.161 cựu binh từng tham chiến tại Iraq và Afghanistan. Ngoài phí tổn về tiền bạc, cuộc chiến chống khủng bố còn khiến liên quân do Mỹ đứng đầu tổn thất hàng nghìn sinh mạng binh lính, hàng chục nghìn người bị thương. Trong khi đó, cuộc chiến ở Iraq lẫn chiến dịch do NATO tiến hành ở Afghanistan cũng không thể được coi là thành công.

Đáng buồn là bất chấp những khoản chi hàng nghìn tỷ USD này, người dân Mỹ vẫn không cảm thấy an toàn hơn một chút nào. Cuộc khảo sát gần đây do Hội đồng các vấn đề thế giới của thành phố Chicago phát hiện thấy khoảng 42% người Mỹ cảm thấy kém an toàn hơn so với trước thời điểm 11-9, mức tăng đáng giật mình so với tỷ lệ 27% của cuộc khảo sát tương tự hồi năm 2014.

Nghịch lý nữa là kể từ sau vụ 11-9-2001, các vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ Mỹ trong 15 năm qua đều được tiến hành bởi các công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp Mỹ, hoạt động theo kiểu “sói đơn độc” hoặc theo cặp, không có kết nối chính thức hoặc nhận được sự huấn luyện từ các nhóm khủng bố như al Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chẳng hạn, thủ phạm vụ đánh bom tại cuộc thi Marathon Boston năm 2013 là anh em Tsarnaev, thường trú nhân hợp pháp Mỹ; thủ phạm vụ thảm sát 13 người tại Fort Hood, Texas, năm 2009 là thiếu tá N. Hasan - công dân Mỹ chính gốc.

Xem ra, cuộc chiến chống khủng bố không chỉ tiêu tốn nhiều nhất, mà còn là nỗi đau đầu nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ Thế chiến II.