Tạm nhập - tái xuất: Lỗ hổng khó bịt

ANTĐ - Theo đánh giá của Bộ Tài chính tình trạng tạm nhập - tái xuất ở hầu hết các mặt hàng đang nhức nhối, dễ xảy ra sai phạm. Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng kẽ hở trong chính sách tạm nhập tái xuất để chuyển thành hàng tiêu thụ nội địa kiếm lời.

Việc xác định doanh nghiệp buôn lậu là rất khó (ảnh minh họa)

Biến tướng khó lường

Tổng cục Hải quan cho biết, việc tạm nhập - tái xuất được xem như hoạt động bình thường của doanh nghiệp xăng dầu bởi ngoài việc nhập khẩu để bán trong nước, các doanh nghiệp còn tạm nhập và tái xuất sáng các nước lân cận như Lào, Campuchia… Tuy nhiên, theo ghi nhận của các đơn vị hải quan địa phương thì thời gian qua doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng hình thức này theo cách nhập để bán trong nước và “quên” tái xuất. Hải quan TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều trường hợp chuyển một phần xăng dầu tạm nhập thành kinh doanh nội địa, có khi 60% lô hàng, lúc tăng lên 80% và thậm chí có lúc đem bán trong nước nguyên cả lô hàng.

Số liệu tạm nhập, tái xuất của 13 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho thấy, từ 1-1-2009 đến 31-6-2012, hầu hết các doanh nghiệp đều có lượng tái xuất xăng dầu ít hơn lượng tạm nhập. Riêng đối với mặt hàng xăng tạm nhập mà chưa tái xuất của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là hơn 136.000 tấn. Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông là 48,5 nghìn tấn, lượng dầu diezel đơn vị này tạm nhập nhưng chưa tái xuất cũng ở mức hơn 110 nghìn tấn. Công ty TNHH một thành viên Hàng không Việt Nam là 10,9 nghìn tấn, xăng máy bay là 164,8 nghìn tấn. Các doanh nghiệp đầu mối khác như Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội, Tổng công ty xăng dầu Quân đội, Tổng công ty dầu Việt Nam, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt... cũng nằm trong danh sách những đơn vị tạm nhập nhiều tái xuất ít. Đặc biệt, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà tạm nhập 13.000 tấn xăng nhưng không xuất đi tấn nào.

Tổng cục Hải quan cũng cung cấp số liệu nợ thuế của các doanh nghiệp đầu mối. Theo đó, Petrolimex có số nợ thuế tạm nhập, tái xuất lớn nhất, hơn 82 tỷ đồng. Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam nợ thuế 42,6 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội gần 51 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam nợ 15,66 tỷ đồng...

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, do hình thức tạm nhập - tái xuất xăng dầu bằng đường biển khó quản lý nên đã biến tướng thành hành vi buôn lậu. Hải quan cũng phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng tạm nhập - tái xuất không đúng tuyến. Đặc biệt, ngày 28-7-2012, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã bắt giữ 1.360 tấn xăng tạm nhập từ kho xăng Vũng Áng, tái xuất đi Trung Quốc nhưng lại tiêu thụ ngay trên biển. Lô hàng vi phạm trị giá 40 tỷ đồng, đã tạm giữ 4 tàu và 27 thuyền viên.

Đề xuất cấm

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu ở Việt Nam 120 ngày và được 2 lần gia hạn, mỗi lần là 30 ngày, thêm 15 ngày tờ khai còn giá trị hiệu lực, như vậy hàng hóa tạm nhập được lưu tổng cộng là 195 ngày. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng đặc thù, như đối với xăng có nhiều chủng loại A92, A95, dầu DO... khác với kiểm soát hàng khô tạm nhập lô hàng nào thì tái xuất đúng lô đó. 

“Khi xăng dầu tạm nhập vào Việt Nam lưu ở các doanh nghiệp thì hầu hết 13 doanh nghiệp đầu mối đều đổ chung xăng tạm nhập, tái xuất và xăng kinh doanh vào một bể, điều đó rất khó cho công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan. Ranh giới để có đủ chứng cứ và tài liệu chứng minh doanh nghiệp buôn lậu rất khó. Vì không phân biệt được nên mới có chuyện doanh nghiệp nhập về không tái xuất mà chuyển sang tiêu thụ nội địa để trốn thuế. Vì thế, chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Bộ Công Thương, nếu cho tạm nhập, tái xuất xăng dầu thì phải còn nguyên tàu, nguyên chủng loại, phải được kẹp chì, được giám sát về kỹ thuật thì mới cho xuất”- ông Cẩn nói.

Trước đó, trao đổi với báo chí Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận cơ chế tạm nhập - tái xuất, đặc biệt với mặt hàng xăng dầu hiện đang tồn tại nhiều kẽ hở, có thể khiến doanh nghiệp lợi dụng, trục lợi trái pháp luật. Bên cạnh xăng dầu, Bộ Tài chính cũng cho rằng tình trạng tạm nhập - tái xuất ở hầu hết các mặt hàng đang nhức nhối, dễ xảy ra sai phạm. Gần đây, giá trị hàng thông quan vào Việt Nam theo hình thức này đã tăng bất thường.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị cần sớm sửa đổi các quy định về tạm nhập, tái xuất theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, những mặt hàng cấm nhập theo thông lệ quốc tế thì cũng cần cấm tạm nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, cần coi doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất hàng hóa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ thời gian, tuyến đường vận chuyển các mặt hàng này… Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: “Có thể tiến tới gắn chip định vị cho các container hàng loại này vì thực tế giá các thiết bị ngày cũng không hề đắt”.