Tâm linh... từ tâm

ANTD.VN - Câu chuyện liên quan đến việc thỉnh oan gia trái chủ thu tiền ở chùa Ba Vàng đã hạ nhiệt khi Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khu vực phía Bắc đề xuất hình thức xử lý đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh. 

Tâm linh... từ tâm ảnh 1Đền chùa luôn là nơi thanh tịnh không chỉ để cầu an lành cho bản thân và gia đình, mà còn là một điểm đến để cân bằng cuộc sống  - Ảnh: LAM THANH

Trong những hệ lụy mà sự việc này đưa tới, một bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành người liên đới và phải có buổi công khai xin lỗi không chỉ nơi mình làm việc, mà còn xin lỗi cả người dân bởi những phát ngôn ngay trong “tâm bão” ở chùa Ba Vàng. 

Công tâm mà nói, niềm tin của ai với một con người, một thế lực siêu nhiên hay bất cứ điều gì cũng là quyền riêng tư của cá nhân họ, tuy nhiên khi được phát ngôn hoặc bộc lộ ra thì họ phải chịu trách nhiệm với những gì mình nói ra và dẫn dụ. 

Trong thực tế cuộc sống, đền chùa luôn là nơi thanh tịnh để không ít người Việt chọn làm nơi du xuân mỗi dịp đầu năm. Có khi đơn giản chỉ là một lời cầu an lành cho bản thân và gia đình, đôi khi lại là một điểm đến để cân bằng tâm hồn sau những xô bồ ở cuộc sống bên ngoài. 

Cũng chính vì điều đó, đền chùa vẫn là nơi lui tới của nhiều người. Từng có quan điểm cho rằng, khi cuộc sống gặp nhiều bế tắc, người ta thường bám víu vào đức tin, vào một thế lực siêu nhiên nào đó để tìm cách hóa giải. Những người có địa vị hoặc thành đạt giàu sang trong cuộc sống cũng nương tựa vào đó nhằm củng cố vị trí và vươn lên hơn nữa. Vậy nên, ở đây không có sự phân biệt giàu sang hay tuổi tác, địa vị hay đẳng cấp xã hội. Tất cả đều chung nhau ở một sự gửi gắm và cầu mong. 

Đền chùa vẫn là nơi lui tới của nhiều người. Từng có quan điểm cho rằng, khi cuộc sống gặp nhiều bế tắc, người ta thường bám víu vào đức tin, vào một thế lực siêu nhiên nào đó để tìm cách hóa giải. Những người có địa vị hoặc thành đạt giàu sang trong cuộc sống cũng nương tựa vào đó nhằm củng cố vị trí và vươn lên hơn nữa. Vậy nên, ở đây không có sự phân biệt giàu sang hay tuổi tác, địa vị hay đẳng cấp xã hội. Tất cả đều chung nhau ở một sự gửi gắm và cầu mong.

Nhưng niềm tin không phải bao giờ cũng trở thành cứu cánh của nhiều người, đôi khi nó lại trở thành những “mồi câu” hấp dẫn để lôi kéo người khác. Nếu đưa ra một giả thiết, sự cầu khẩn thành tâm hay không được đo bằng giá trị vật chất đều được đáp ứng thì cuộc sống trở nên đơn giản quá. 

Trong công việc của mình, tôi đã tiếp xúc với nhiều người mà những câu chuyện của họ đều ẩn chứa những điều khó lý giải. Chỉ có một điểm chung là bước ngoặt cuộc đời của họ đều ra đời từ chính tâm hồn lương thiện, ấm áp của mình. 

Tôi nhớ đến một người phụ nữ có căn nhà khang trang bên mép sông ở Phú Thọ. Bây giờ chị đã là một doanh nhân thành đạt, nhưng ai biết được rằng chị đã từng bón cho con những ngụm thuốc sâu trên con thuyền chênh chao, rách nát ở bờ sông… với ý định cả nhà cùng chết.

Tuy nhiên, trong một phút giây thức tỉnh nào đó, chị đã tỉnh ngộ và kịp thời khắc phục ý nghĩ điên rồ đó. Một ngày khác, chị bắt gặp một cục tiền trên con đường vắng ven đê. Lúc sau, chủ nhân của cục tiền thất thần đi về phía chị và hỏi về cục tiền mình mới đánh rơi. Chẳng suy nghĩ nhiều, chị đưa trả người đàn ông bọc tiền mình mới nhặt được. 

Bất ngờ và cảm động bởi hành động của chị, người đàn ông rút ra một phần số tiền trong bọc tiền đó như là chút cảm ơn cho ân nhân đã không để lòng tham lấn át. Bằng số tiền đó, chị lo cho gia đình được một bữa no rồi mua được một con thuyền mới. Số tiền còn lại đã giúp chị và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo bằng một công việc mưu sinh xán lạn khác. 

Tâm linh... từ tâm ảnh 2Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Bây giờ, ngồi trong ngôi nhà khang trang nhìn về phía sông, chị vẫn ngậm ngùi nói, không có số tiền mà người đàn ông kia chia cho chị, cuộc sống đã không có hôm nay. Chị cũng tâm sự, nếu chiếm dụng hết số tiền kia làm của riêng cho mình, chắc chắn chị cũng không được thuận chiều trong kinh doanh. Đó chỉ là một niềm tin từ tâm mình. 

Một đôi vợ chồng khác cũng có một căn nhà nằm nép mình bên con đê ở Bắc Giang, không hiểu sao mãi vẫn không thể có con. Y học thời đó cũng chưa phát triển như bây giờ để họ tìm ra đáp án. Một lần đi chợ, người vợ được mọi người chỉ đến một đứa trẻ lạc mẹ. Biết hai vợ chồng hiếm muộn, họ bảo chị đưa cháu về nuôi dưỡng, đợi đến khi nào tìm được mẹ hẵng hay. Thương đứa trẻ và cũng nghĩ đến hoàn cảnh của mình, chị quyết định đón cháu về, không quên để lại lời nhắn trên tấm bảng để mẹ đẻ cháu nếu đi tìm sẽ thấy. 

Đứa trẻ bị bỏ rơi trong chợ không được bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng hai vợ chồng vẫn chăm cháu bằng tình thương như những đấng sinh thành. Ít lâu sau khi đón cháu về nuôi, người vợ đã lần lượt mang thai và sinh được hai người con. Trò chuyện với tôi, chị vẫn chỉ giải thích bằng sự chân chất của một người phụ nữ nông dân - chắc trời thương hai vợ chồng! 

Có con ruột nhưng cả hai vẫn yêu thương người con nuôi đã đưa về. Nhiều năm sau đó, cũng chính người chồng đã đưa con nuôi đi khắp nơi tìm cha mẹ đẻ cho mình. Trong hành trình đó, có những lúc hết tiền cả hai cha con đã được mọi người trên xe góp tiền lộ phí, được người xa lạ cho ngủ nhờ. 

Những chuyện như trên có thể lý giải, làm việc từ tâm được đáp lại ở lòng tâm. Họ cũng chẳng đi thỉnh oan gia trái chủ làm gì!