“Tấm lá chắn” rắn chắc

ANTĐ - Lâu nay, mỗi khi tăng giá những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, gas…, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng này đều có một “tấm lá chắn” rất vững chắc. Đó là liên Bộ Tài chính - Công Thương căn cứ vào đề xuất của các doanh nghiệp để điều chỉnh giá trên nguyên tắc “đảm bảo có lãi” cho các doanh nghiệp. Nói thẳng ra là lợi ích, lợi nhuận của doanh nghiệp luôn được che chắn, bảo hộ. Vậy thì ai đứng ra bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, những người vốn chịu thiệt thòi, chịu áp lực tăng giá?

Sau hơn một tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, thống kê cho thấy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang thu được lợi nhuận đáng kể. Lãi ròng lớn, nhưng khả năng giảm giá điện còn xa vời, bởi ngành điện cho rằng, việc đánh giá chi phí và lợi nhuận của tập đoàn và các đơn vị tham gia thị trường không thể xác định ngay sau một tháng vận hành, mà phải dựa trên kết quả cả một năm. Có nghĩa là nếu làm ăn lỗ thì đòi tăng giá ngay, còn có lãi thì phải từ từ xem xét, “nghiên cứu”. Kiểu như ngành xăng dầu, 3 lần tăng lớn chỉ 1 lần giảm nhỏ để “an ủi” người tiêu dùng.

Mặc dù Bộ Tài chính đã có Cục Quản lý giá, Bộ Công Thương thì có Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ Thị trường trong nước, song ai cũng biết rõ những cơ quan này không thể đứng ngoài “sân chơi”, không thể giám sát độc lập cũng như không có đủ điều kiện cần thiết để quản lý được giá cả của các doanh nghiệp. Nói một cách khác, vừa là cầu thủ vừa là trọng tài thì làm sao công tâm, sòng phẳng và minh bạch cho được. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi nhờ việc các nhà máy điện cạnh tranh, chào giá cần rút ngắn hơn nữa các giai đoạn trong thị trường điện cạnh tranh, đồng thời đẩy nhanh lộ trình xóa bỏ độc quyền của ngành điện. Dưới góc độ chuyên gia, một số ý kiến đề xuất nên thành lập một ủy ban giám sát thị trường hoặc một ủy ban giám sát độc lập về giá.

Ở một số quốc gia đã thành lập ủy ban này và đã làm rất tốt chức năng giám sát về giá. Ở nước ta, có ba nguyên nhân để xảy ra tình trạng điều hành giá cả lộn xộn, bất thường. Đó là, cơ quan quản lý làm chưa hết trách nhiệm, có phần buông lỏng quản lý. Chế tài, bao gồm cả những quy định, điều kiện quản lý và chế tài về xử lý vi phạm quá yếu, không thể mạnh tay xử phạt được tình trạng tăng giá tràn lan hoặc “té nước theo mưa”. Trong khi đó giao cho Bộ Tài chính hay Bộ Công Thương quản lý về giá cả, rất khó tránh được tình trạng cục bộ, thiếu thống nhất và thiếu khách quan. Rõ ràng, không thể công tâm vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng, khi mà chính các cơ quan này vừa quản lý ngành lại vừa giám sát. Đã từng có một cuộc tranh cãi “nảy lửa” giữa hai Bộ này hồi đầu năm về chuyện kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối. Cũng có ý kiến của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, không cần thành lập ủy ban giám sát độc lập về giá. Bởi vì Quốc hội vừa ban hành Luật Giá, nếu các cơ quan quản lý nhà nước làm hết trách nhiệm là được. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn ngả theo hướng, đây là thời điểm chín muồi để thành lập ủy ban giám sát về giá.

Các ý kiến tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Người tiêu dùng nuôi hy vọng rằng, sẽ sớm có một cơ quan nào đó hoàn toàn độc lập không hề dính dáng gì đến việc điều hành giá cả, kể cả có quan hệ với các bộ, ngành liên quan. Còn độc quyền thì càng cần phải có cơ quan quản lý độc lập. Đó chính là “tấm lá chắn” rắn chắc bảo vệ người dân.