Tâm điểm Hà Nội trong Năm Chủ tịch ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội đang trở thành tâm điểm quan tâm của các thành viên Cộng đồng ASEAN khi đồng thời đang diễn ra những Hội nghị thường niên quan trọng của không chỉ hiệp hội là Đại hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA-41) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) cùng các hội nghị liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận “Chiếc búa quyền lực” - biểu tượng cho cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN - từ tay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tháng 11-2019 đã nêu rõ khả năng gắn kết vững bền có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận “Chiếc búa quyền lực” - biểu tượng cho cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN - từ tay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tháng 11-2019 đã nêu rõ khả năng gắn kết vững bền có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN

ASEAN trước những thách thức, biến động khó lường

Do ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), các Hội nghị AIPA-41 và AMM-53 cùng các hội nghị liên quan đều diễn ra với hình thức trực tuyến với “tâm điểm” Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam - nước chủ nhà Năm ASEAN 2020. Tuy nhiên, các chương trình nghị sự kín đặc với nội dung là những vấn đề “nóng”, cấp bách cũng như cơ bản, lâu dài của cả ASEAN cũng như các bên đối tác, đối thoại liên quan đều được ra hết sức nghiêm túc, đầy trách nhiệm trên bàn Hội nghị AIPA-41 cũng như AMM-53 với sự chuẩn bị dày công của nước chủ nhà cùng các quốc gia thành viên, đối tác, đối thoại. Đó cũng chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao độ của Việt Nam kể từ khi đảm nhận trọng trách Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020.

Có thể nói Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là một năm hiếm thấy trong lịch sử hình thành và phát triển của cả hiệp hội trong suốt hơn nữa thế kỷ qua. Ngay thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận “Chiếc búa quyền lực” - biểu tượng cho cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN - từ tay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, khu vực cũng như các quốc gia ASEAN phải đối mặt với những thách thức lớn cùng những sự biến động khó lường ở khu vực và thế giới.

ASEAN dù khẳng định vững chắc vai trò trung tâm, dẫn dắt của mình trong các vấn đề hợp tác kinh tế cũng như an ninh trong khu vực nhưng cũng đang đứng trước những thách thức và khó khăn không nhỏ trong tình hình khu vực và thế giới biến động nhanh, phức tạp từ kinh tế cho tới an ninh và ổn định. Trong đó, những hoạt động quân sự hóa, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền các bên liên quan của Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới với 3.400 tỷ USD lưu lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm.

Đặc biệt là những vụ việc nghiêm trọng vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) trên vùng biển khu vực và Việt Nam. Những thách thức kinh tế và an ninh đó mang lại những bài học sâu sắc cho ASEAN. Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định trên Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định và an ninh làm nền tảng vững chắc cho sự hợp phát, phát triển.

Một thế giới dễ thay đổi và khó lường càng thấy rõ hơn khi đại dịch Covid-19 bất ngờ lây lan ở Trung Quốc cuối năm 2019 và bùng phát dữ dội từ đầu năm 2020 ra toàn thế giới. Đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm này không chỉ khiến hơn 27,5 triệu người mắc bệnh, hơn 897 nghìn người tử vong (tính tới ngày 9-9-2020) mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn mọi mặt kinh tế - xã hội cũng như đời sống của cả thế giới. Thách thức phi truyền thống này gây tổn thất về sinh mạng và vật chất cho thế giới thậm chí còn lớn hơn một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Gắn kết tạo sức mạnh cộng hưởng của ASEAN

Nhìn lại để thấy chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” mà Việt Nam đưa ra trong Năm Chủ tịch ASEAN là rất phù hợp khi mà khu vực và thế giới bên cạnh thách thức cũ cũng luôn đối mặt với những biến động mới khó lường, bởi như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ khi tiếp nhận “Chiếc búa quyền lực” hồi tháng 11-2019 là, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN. Muốn thích ứng nhanh cũng như vượt qua những thách thức kinh tế và an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, đòi hòi ASEAN phải tiếp tục củng cố, phát huy giá trị cốt lõi, nền tảng làm nên thành công của tổ chức khu vực thời gian dài qua. Đó chính là đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hiệp hội.

Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ. Trên thực tế từ khi đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN đầu năm 2020 tới nay, Việt Nam luôn hành động theo chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” để ứng phó và cùng các thành viên khác của hiệp hội tìm giải pháp, lối ra để vượt lên những thách thức, trong đó quan trọng nhất cũng là nổi bật, cấp bách là làm sao duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, đồng thời ứng phó tốt nhất với đại dịch Covid-19.

Với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN thời gian qua đã phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của hiệp hội trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin tại khu vực; từ đó hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, tin cậy, bình đẳng trong quan hệ giữa các quốc gia khu vực, các đối tác; giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực như Hiệp ước hữu nghị TAC, Tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông), Tài liệu AOIP (quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương)...

Với thách thức đại dịch Covid-19, mọi thành viên ASEAN đều đã đưa cả bộ máy các cơ quan vào cuộc, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh và người dân ổn định đời sống. Những sáng kiến như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, xây dựng Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy Phục hồi tổng thể, không chỉ giúp ASEAN vượt qua giai đoạn được cho khó khăn nhất của đại dịch, mà còn là chất keo gắn kết các nước thành viên.

“Thương hiệu” vượt khó của ASEAN một lần nữa được khẳng định rõ từ đầu năm tới nay, thể hiện qua các cam kết ở cấp cao nhất mà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tháng 4-2020 tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3 và tháng 6-2020 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 ở Hà Nội. Đó cũng chính là nỗ lực của các Trụ cột Cộng đồng hợp tác, mở rộng liên kết, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh phát triển vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Nắm bắt chính xác, đưa ra các chương trình nghị sự, hợp tác để ứng phó với những thách thức, khó khăn nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của ASEAN như một tổ chức khu vực thành công nhất trong thế giới đầy biến động, Việt Nam được các thành viên khác ghi nhận, đánh giá cao trên cương vị Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN. Hà Nội những ngày này không chỉ là tâm điểm bởi diễn ra các hội nghị quan trong của ASEAN mà hơn hết đang được dõi theo với sự quan tâm sâu sắc để đưa ra những quyết sách, đường hướng quan trọng nhằm gắn kết hơn nữa tạo lên sức mạnh cộng hưởng của cả hiệp hội.