Tai vạ từ mạng xã hội

ANTĐ - Mạng xã hội đang là công cụ giao tiếp và kết nối phổ biến ngày nay. Tuy nhiên, cuộc sống “ảo” đôi khi lại ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thực của người dùng.

Dưới đây là một số trường hợp hy hữu của các nhân vật nổi tiếng gặp rắc rối, thậm chí mất cả quyền lực do thông tin đăng tải từ mạng xã hội… 

Nhà báo Nir Rosen bị sa thải sau khi có những nhận xét không hay về nữ đồng nghiệpLara Logan (phải) trên Twitter

Bê bối chấn động chính trường Mỹ

Với sự bùng nổ của Internet và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mạng xã hội, việc giao tiếp, truyền tải thông điệp qua các hệ thống mạng này đã trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Khai thác ưu điểm này, các chính trị gia Mỹ đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để truyền tải thông điệp và vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống sắp đến.

 

Nghị sĩ Anthony Weiner rơi nước mắt khi tuyên bố từ chức

Nhưng không phải tất cả các chính trị gia hay những người nổi tiếng nào cũng tận dụng được ưu thế của mạng xã hội. Có người đã quá lạm dụng mạng xã hội, xem nhẹ tính lan truyền thông tin của nó, để cuối cùng, những hệ lụy nó mang lại không chỉ là tai tiếng của bản thân, nỗi đau cho người thân và sự nghiệp của họ cũng hoàn toàn sụp đổ.

Trong số những “vạ bàn phím” mà nhiều nhân vật nổi tiếng đã vấp phải, trường hợp của nghị sĩ đến từ thành phố New York Anthony Weiner đã trở thành tâm điểm của sự chú ý trong thời gian gần đây. Ông Anthony Weiner, được coi là ứng viên tiềm năng cho vị trí Thị trưởng New York năm 2013. Nghị sĩ Anthony Weiner là thành viên Hạ viện Mỹ và trở thành dân biểu Mỹ kể từ năm 1999 và cho đến nay, ông này đã phục vụ trên chính trường nước Mỹ được 14 năm. Nhưng những gì cố gắng trong hơn chục năm qua bỗng chốc tan thành mây khói…

Nghị sĩ Anthony Weiner đã gửi cho một cô gái trên mạng xã hội Twitter những hình ảnh “mát mẻ” của mình. Không may cho ông, những hình ảnh đó được lan truyền trên Twitter và công khai đối với những ai ghé thăm trang Twitter của nghị sĩ này. Ngay sau khi những hình ảnh này được phán tán, ban đầu ông Weiner phủ nhận và cho rằng đó chỉ là một hành động xấu nhằm vào ông.

Nhưng không lâu sau đó, nghị sĩ Anthony Weiner đã phải bật khóc nức nở khi thú nhận rằng, trong suốt 6 năm qua, ông đã từng “chat sex” và gửi những bức ảnh nhạy cảm của mình cho 6 người phụ nữ. Ông khẳng định rằng chưa gặp bất cứ ai và cũng không có quan hệ thể xác ngoài cuộc hôn nhân mới được 1 năm của mình. Tất cả những bức ảnh nhạy cảm này đều được chụp tại phòng tập thể dục của ông bằng điện thoại di động được đăng tải trên trang TMZ. Và kết cục cho tai vạ này là quyết định từ chức của ông Weiner hôm 16-6.

“Vạ” không của riêng ai
Không chỉ các chính trị gia mới vướng vào những scandal như vậy. Ashley Payne, một giáo viên tại bang Georgia (Mỹ) cũng đã bị yêu cầu phải rời bỏ công việc tại trường Trung học Apalachee vào tháng 8-2009 vì những hình ảnh và thông điệp “không hay” mà cô đăng tải lên trang Facebook của mình. Sau khi bị sa thải, Payne đã khởi kiện trường Trung học Apalachee vào tháng 11-2009 vì cô cho rằng những hình ảnh mang tính riêng tư đó không liên quan đến sự nghiệp của cô.

Đối với những người làm báo, những phóng viên, những tưởng họ khó vấp phải chuyện như vậy vì thường xuyên tiếp xúc với những thông tin liên quan đến các scandal trên mạng xã hội ảnh hưởng đến sự nghiệp của không ít những người nổi tiếng nhưng trường hợp của phóng viên Nir Rosen thì khác. Phóng viên chiến trường Nir Rosen là người nổi tiếng với những bài viết phân tích về cuộc chiến tranh tại Iraq. Tuy nhiên, phóng viên danh tiếng này đã phải ngậm ngùi ra đi khỏi tờ báo New York University sau khi có một loạt bình luận chỉ trích có phần thái quá về nữ phóng viên chiến trường Lara Logan. Rosen cho rằng, một người phụ nữ như Logan thì nên… đứng bếp hơn là đi lấy tin bài ở chiến trường. Những bình luận đó đã khiến dư luận bất bình. Mặc dù đã đưa ra lời xin lỗi về hành động của mình, tuy nhiên như vậy vẫn là chưa đủ.

Ngoài ra, trường hợp của diễn viên hài Gilbert Gottfried cũng khá hy hữu. Diễn viên hài nổi tiếng này đã chịu trận cho những phát ngôn quá lố và những câu đùa không đúng chỗ của mình. Ngay sau khi thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản, Gottfried đã đăng tải lên Twitter của mình một câu nói đùa: “Người Nhật Bản thật là tiến bộ. Họ không cần phải đi tắm biển, biển tự tìm đến với họ”. Tập đoàn Aflac, nơi Gottfried đang làm việc với vị trí phát ngôn viên và hình ảnh đại diện cảm thấy không hài lòng với câu nói đùa này của ông. Cùng với đó, hàng loạt những phản đối gay gắt từ dư luận. Mặc dù đã đưa ra lời xin lỗi, nhưng tất cả đã quá muộn. Gilbert Gottfried bị sa thải khỏi Aflac.

Hầu hết sau những tai vạ do “bàn phím” vô tình gây ra, những người trong cuộc thường nói lời xin lỗi cho những sai phạm này. Tuy nhiên điều đó đã quá muộn khi danh vọng, sự nghiệp bỗng chốc tiêu tan.