Tái sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa mừng đã vội lo

ANTD.VN - Trước việc Cục Quản lý dược, Bộ Y tế tiếp tục cho phép một số doanh nghiệp được nhập khẩu hoạt chất salbutamol để sử dụng trong y tế, không ít doanh nghiệp chăn nuôi, người tiêu dùng lo lắng. Bởi, nếu như việc nhập khẩu không được quản lý, hậu kiểm chặt chẽ, thì tình trạng “tuồn” loại hóa chất này sang dùng trong chăn nuôi sẽ lại xảy ra.

Nếu không quản lý chặt, nguy cơ salbutamol bị tuồn ra thị trường sử dụng trái phép làm chất tạo nạc trong chăn nuôi có thể tái diễn

Nguy cơ không nhỏ

Trên góc độ người chăn nuôi, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) lo lắng: “Thời gian trước, việc sử dụng salbutamol được báo chí phản ánh rất nhiều, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ NN&PTNT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường  - Bộ Công an đã phải vào cuộc ráo riết, cùng với đó là việc tạm dừng nhập salbutamol nên tình trạng sử dụng chất này trong chăn nuôi đã yên ắng trở lại.

Giờ Bộ Y tế lại tiếp tục cho nhập - tuy việc nhập chất này là để sản xuất thuốc và chữa bệnh nên không thể cấm được - nhưng điều tôi lo ngại là các thương lái sẽ lại yêu cầu người nuôi trộn chất này để lợn đẹp mã, tăng lượng nạc. Mặc dù nhiều người nuôi đã ý thức được sự nguy hiểm đối với người tiêu dùng khi lợn có chất tạo nạc, nhưng vẫn còn một số bộ phận do hám lợi nên có thể vẫn sẽ lén lút dùng”.

Bộ Y tế cho nhập khẩu trở lại chất salbutamol sau 9 tháng ban lệnh cấm

Theo ông Trần Văn Chiến, nếu tình trạng sử dụng chất tạo nạc salbutamol lại xuất hiện thì dù chỉ lẻ tẻ, nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi nói chung và những hộ nuôi chân chính, nếu người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn thì người nuôi sẽ rất khốn khó, giá cả sẽ tụt dốc rất nhanh. 

Chị Trần Thị Ngân Anh ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ: “Trong một thời gian dài, gia đình tôi không dám ăn thịt lợn bán tại các chợ dân sinh bởi lo ngại thịt lợn nhiễm chất tạo nạc. Chỉ đến khi nhiều thông tin cho biết, tình trạng này đã giảm, cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết thì gia đình mới dám sử dụng nhưng cũng vẫn cảm thấy không yên tâm. Giờ chưa kịp vui thì lại cho nhập chất salbutamol này, dù rằng là nhập về để dùng trong y tế, làm thuốc chữa bệnh nhưng bấy lâu nay, khâu hậu kiểm của các cơ quan chức năng khá yếu kém, liệu có xảy ra tình trạng tuồn sang dùng trong chăn nuôi lợn như trước không?”. 

Đồng cảm với lo ngại của người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành - Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng tỏ ra khá lo ngại khi tình trạng sử dụng loại chất này sai mục đích trong chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là hoàn toàn có thể tái diễn. Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cần phải phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát, hậu kiểm quá trình sử dụng loại chất này.

Phải siết chặt kiểm tra 

Trước đó, từ tháng 11-2015, sau khi hàng loạt vụ việc lạm dụng salbutamol trong chăn nuôi (sử dụng salbutamol vào trong thức ăn chăn nuôi lợn để làm chất tạo nạc - dù đây là chất cấm dùng trong chăn nuôi gia súc), Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có công văn số 21590/QLD-KD về việc tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol và clenbutarol.

Vậy nhưng chỉ 9 tháng sau khi ban hành lệnh cấm, từ ngày 10-8 vừa qua, Cục Quản lý dược đã cho phép nhập khẩu trở lại salbutamol với lý do đây là điều không thể tránh khỏi, là nhu cầu thiết yếu để phục vụ sản xuất thuốc và chữa bệnh. Theo đó, đơn vị này đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp nhập khẩu lượng tối thiểu 100kg salbutamol đáp ứng nhu cầu điều trị trước mắt của người dân, đó là Công ty cổ phần Dược Vacopharm và Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I-Pharbaco (mỗi đơn vị 50kg).

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, salbutamol là hoạt chất không thể thiếu trong điều trị, được dùng chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính.

Trong thời gian tạm ngừng nhập khẩu salbutamol, Cục Quản lý dược đã tăng cường công tác hậu kiểm, chấn chỉnh đưa hoạt động kinh doanh nguyên liệu salbutamol vào kiểm soát chặt chẽ nhằm thực hiện theo đúng các quy định. Theo ông Đông, kiểm tra các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy, doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện, cơ bản đáp ứng các quy định về sản xuất, kinh doanh hoạt chất này.

Hiện nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh thiếu salbutamol, đề nghị được nhập khẩu nguyên liệu này để đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh cho người. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh nên Cục Quản lý dược tiếp tục cho phép các đơn vị sản xuất nhập khẩu salbutamol với số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.

Trước lo ngại về nguy cơ hoạt chất này có thể sẽ bị tuồn ra thị trường dẫn đến việc lạm dụng, sử dụng trái phép trong chăn nuôi, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, Cục Quản lý dược đã có công văn số 16341/ QLD-CL gửi Cục Thú y, Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị này tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và cơ sở sản xuất thuốc thú y để không sử dụng hoạt chất này.

Đồng thời, cục cũng đã đề nghị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an phối hợp giám sát nhằm đảm bảo lượng nguyên liệu salbutamol không thất thoát, sử dụng sai mục đích.

Về phía Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT cho rằng, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi rất gắt gao, các đoàn kiểm tra từ Trung ương đến địa phương đi kiểm tra liên tục. Việc thanh tra, kiểm tra này được thực hiện thường xuyên, nếu phát hiện trường hợp sai phạm đều xử phạt nặng, đồng thời kết hợp với tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi…

Do đó, có cơ sở để tin rằng tình trạng lạm dụng, sử dụng trái phép salbutamol để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi sẽ không tái diễn. “Tôi được biết hiện nay việc nhập salbutamol cũng như cung cấp cho các đơn vị sản xuất thuốc được Bộ Y tế quản lý rất chặt chẽ, cả đầu vào đầu ra đều được kiểm soát nghiêm ngặt.

Vậy nên theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên quá lo lắng trước thông tin này, vấn đề là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm gắt gao hơn nữa” - ông Nguyễn Xuân Dương trấn an.