Tại sao Việt Nam chưa thể bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, người bệnh sẽ “đổ dồn” lên tuyến trên điều trị dẫn đến bị quá tải, hệ thống y tế có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, người bệnh sẽ “đổ dồn” lên tuyến trên

Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, người bệnh sẽ “đổ dồn” lên tuyến trên

Mới đây, thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội kiến nghị cần bỏ giấy chuyển viện. Bởi theo đại biểu, cử tri đã có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám chữa bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.

Phản hồi về vấn đề trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, quy định phân tuyến khám chữa bệnh và phân loại bệnh nhân theo tuyến là cần thiết, đảm bảo hệ thống y tế phát triển bền vững để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, người bệnh sẽ “đổ dồn” lên tuyến trên điều trị làm tuyến trên bị quá tải, hệ thống y tế có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, mô hình hệ thống y tế hình tháp được hầu hết các nước áp dụng và chỉ có mô hình này mới đảm bảo được việc quản lý và chăm sóc sức khoẻ một cách toàn diện, hiệu quả.

Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Do đó, việc quản lý khám chữa bệnh tại các tuyến bằng giấy chuyển tuyến là công cụ phù hợp, cần thiết.

Nếu bệnh nhân không được quản lý theo tuyến, nhu cầu khám chữa bệnh tập trung ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối để điều trị, kể cả với các trường hợp không phù hợp và không cần thiết với tình trạng bệnh.

Điều này không chỉ gây quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên, gây phiền hà cho chính người bệnh mà còn gây lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến dưới do không tận dụng hết công suất sử dụng.

Trong khi đó, thời gian qua, các cơ sở y tế tuyến dưới đã được đầu tư nguồn lực và ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. HCM cũng dẫn chứng, thực tế, tại TP. HCM, hầu hết các bệnh viện quận, huyện đều là các bệnh viện được phân hạng 1, hạng 2 thực hiện được rất nhiều dịch vụ kỹ thuật tuyến tỉnh và tuyến trung ương.

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh của thành phố đều là các bệnh viện lớn thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, và đã thu hút số lượt bệnh nhân các nơi về khám chữa bệnh. Trong đó, người có thẻ bảo hiểm y tế luôn được giải quyết đầy đủ quyền lợi theo quy định.

Theo bà Hằng, không chỉ gây lãng phí y tế, “túi tiền” của người bệnh cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đi lại, ăn ở, chờ đợi khi bệnh viện “quá tải” bệnh nhân…

Hơn nữa, cùng một loại bệnh, nếu điều trị tại tuyến huyện sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với tuyến trung ương vì việc đầu tư tại bệnh viện tuyến trung ương cao hơn tuyến huyện (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực).