Tại sao Trung Quốc sẽ không có quyền lực thống trị châu Á?

ANTĐ - Theo một báo cáo của Quỹ Kokoda (một tổ chức bất vụ lợi độc lập chuyên tranh luận về những thách thức an ninh, có trụ sở ở Úc) mới đây thì Trung Quốc có thể là một cường quốc kinh tế của châu Á, nhưng sẽ không trở thành thế lực thống trị châu Á. Các tác giả của báo cáo nhận định những hạn chế của khả năng kinh tế Trung Quốc, sự thiếu vắng những mối quan hệ song phương chặt chẽ và khả năng quân sự yếu sẽ cản Trung Quốc khó trở thành một quyền lực thống trị châu Á, không thể dùng chính trị - kinh tế để phủ tầm ảnh hưởng lên toàn khu vực châu Á.
Tại sao Trung Quốc sẽ không có quyền lực thống trị châu Á? ảnh 1

Một nền kinh tế không hiệu quả

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 7% có thể là một mức thấp trong vòng 5 năm trở lại đây, nhưng vẫn khiến nhiều quốc gia ganh tỵ. Cũng có ý kiến cho rằng, sức mạnh của kinh tế Trung Quốc tạo ấn tượng về lượng nhưng yếu về chất, mặc dù là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới nhưng xuất khẩu của nước này nhìn chung là các mặt hàng tiêu dùng cấp thấp, khẳng định đây vẫn là một nền kinh tế gia công và lắp ráp, không phải nền kinh tế phát minh và sáng tạo. Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng, sự giảm sút về sản lượng là một trong những tín hiệu lớn nhất để chỉ Trung Quốc không thể duy trì đà tăng trưởng hiện tại. 

Báo cáo nêu: “Ước tính tỷ lệ vốn đầu ra cho năm 2012 là 5,5:1, có nghĩa là bỏ vốn 5,5 USD nhưng chỉ thu về 1 USD sản lượng. Theo logic kinh tế và những kinh nghiệm phát triển của các nước Đông Nam Á khác cho thấy, tỷ lệ vốn - sản lượng ở mức này đang mô tả một nền kinh tế vô cùng lãng phí, không hiệu quả và không bề vững” - báo cáo nêu. Đồng quan điểm, trong một bài phân tích được đăng trên tờ Wall Street Journal có nêu, Trung Quốc điên cuồng mở rộng nền kinh tế, thực hiện những khoản cho vay thiếu thận trọng và đầu tư lãng phí. Các cây cầu và các “thành phố ma” được xây dựng tràn lan...

Thực tế cho thấy phần lớn sự tăng trưởng gần đây của Trung Quốc là “tăng trưởng ảo”. Các doanh nghiệp Nhà nước phải đối mặt với các khoản nợ vượt quá kiểm soát; ngành công nghiệp thép và đóng tàu thì đau đầu với năng suất dư thừa. Cái giá phải trả cho các hoạt động kinh tế thiếu hiệu quả không chỉ dừng ở đó. Theo thống kê, khoảng 20% diện tích đất nông nghiệp ở nước này đã bị ô nhiễm. Thêm vào đó là nhiều vấn đề phức tạp mà Trung Quốc khó có thể khắc phục trong tương lai gần, bao gồm giáo dục yếu kém, hưu trí thấp, phúc lợi xã hội và dịch vụ y tế không đảm bảo. Dân số Trung Quốc cũng đang già đi và quy mô lực lượng lao động càng ngày càng thu nhỏ.

Chính vì lý do này mà theo các nhà phân tích của Quỹ Kokoda, Trung Quốc sẽ không thể thực hiện chuyển từ một nước có thu nhập trung bình lên một nước có thu nhập cao - một tiêu chuẩn để trở thành một cường quốc, trừ khi Trung Quốc cải thiện được mức sống của người dân. Để làm được như vậy sẽ đòi hỏi việc phân bổ ngân sách Nhà nước nhiều hơn cho các lĩnh vực như an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp, chăm sóc y tế. Nhưng cho tới thời điểm này, các mảng trên chỉ chiếm 10,5 % và 6,1 % trong ngân sách năm 2014.

Chưa đủ để đe dọa các nước trong khu vực 

Lĩnh vực quốc phòng nhận phần lớn nhất từ ngân sách Chính phủ, gần 15% trong chi ngân sách năm 2014. Nhưng hai nhà phân tích Dibb và Lee tin rằng Trung Quốc sẽ không trở thành một siêu cường quân sự cho đến khi nào họ có khả năng ra những quyết định hành động trên quy mô toàn cầu.

Báo cáo nêu hiện lực lượng quân đội Trung Quốc không được rèn luyện kỹ lưỡng, không có kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, để tạo ra một nỗi đe dọa đáng kể cho khu vực châu Á. Báo cáo còn cho thấy Trung Quốc có quá ít bạn bè do tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và với nhiều nước Đông Nam Á, Trung Quốc lãnh hậu quả là không có nhiều bạn ở châu Á. 

Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu PEW đầu năm nay cho biết: cư dân ở 5/8 nước châu Á đều có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc. Nhà kinh tế học cao cấp Vishnu Varathan của Ngân hàng Mizuho (Nhật) nói: “Trung Quốc không có quyền lực mềm có sức thu hút mà một thế lực thống trị châu Á cần phải có. Trung Quốc vẫn còn đang tranh thủ được bạn bè và đầu tư nhiều vào khu vực này. Trung Quốc là một thế lực nổi trội, nhưng không là thế lực nổi trội với khu vực này hoặc với thế giới”.

“Khi xem xét các yếu tố hướng tới sự phát triển của quyền lực tại Trung Quốc và khả năng Trung Quốc sử dụng quyền lực này để đạt được các mục tiêu quốc gia, những dự đoán về một siêu quyền lực của Trung Quốc với khả năng thống trị châu Á sẽ là những dự đoán quá sớm, nếu không nói là không thể xảy ra” - Giáo sư Paul Dibb và Tiến sĩ John Lee, đồng tác giả báo cáo nói.

Trong khi đó, theo bình luận về sức mạnh của Trung Quốc, Tạp chí The Diplomat của Nhật cho rằng, mặc dù Trung Quốc có sức mạnh nhưng “Trung Quốc sẽ không bao giờ trở nên vĩ đại nếu nước này không bảo vệ cho mục đích cao hơn bản thân mình. Thực tế, Trung Quốc hiện có cách nghĩ nhỏ nhen, lợi ích cá nhân và thực dụng, chỉ nhằm tối đa hóa lợi ích và sức mạnh Quốc gia. Trung Quốc chưa quan tâm nhiều tới quản trị toàn cầu, đồng thời chưa có các đồng minh và có các mối quan hệ căng thẳng với nhiều nước trên thế giới”.