Tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump tích cực "đánh" Hồi giáo cực đoan?

ANTD.VN - Các phân tích gia chính trị vừa cho rằng, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump không có một chiến lược thực sự chặt chẽ cho cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, song ông lại ghi điểm mạnh nhờ vào sự ủng hộ leo thang các cuộc không kích các tổ chức khủng bố liên quan tới Hồi giáo ở nước ngoài.

Hồi tuần trước, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nói rằng Nhà Trắng đã thông qua bản đề nghị của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó muốn tăng số lượng các cuộc không kích nhắm vào nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan al-Shabaab ở Somalia.

Bình luận về quyết định trên, Giáo sư chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Đại học Pittsburgh – ông Michael Brenner – cho rằng Mỹ “chẳng có chiến lược chống khủng bố nào ngoài việc điên cuồng giết người Hồi giáo”.

Tuy nhiên, theo ông Brenner, chính sách đó lại mang tới những lợi ích chính trị thực sự cho ông chủ Nhà Trắng, chứ không phải cho những lý do chiến lược, bởi ông Trump từng nhấn mạnh quan điểm bài Hồi giáo cực đoan mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử của mình. Cụ thể hơn, với chính sách mới, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục được ghi nhận “đà thắng lợi” trong các cuộc chiến chống khủng bố.

Tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump tích cực "đánh" Hồi giáo cực đoan? ảnh 1

Tổng thống Mỹ được hưởng lợi chính trị với những quyết định tăng cường quân sự của mình

Trong khi đó, nhà bình luận chính trị kiêm phân tích tình hình Trung Đông – ông Dan Lazare – thì cho rằng chính sách nã bom của Tổng thống Mỹ thuần túy mang động cơ chính trị chứ không phải nằm trong chiến lược chặt chẽ, và ông này tin rằng Washington sẽ tiếp tục mở rộng các cuộc không kích.

“Rồi sẽ có nhiều hành động quân sự của Mỹ được thông qua ở các nước khác”, ông Lazare dự báo.

Theo vị chuyên gia này, ông Trump thực lòng muốn cải thiện quan hệ với Nga, song tân chủ nhân Nhà Trắng vẫn phải tự bảo vệ mình trước những cáo buộc của phe đối lập, như những lời chỉ trích cho rằng Washington hiện nay quá mềm mỏng trên bàn đàm phán.

“Tổng thống Mỹ phải chứng minh bản thân qua việc leo thang quân sự ở một nơi nào đó. Do vậy, những hành động quân sự quyết liệt của ông ấy trên khắp Trung Đông cần phải được hiểu trong bối cảnh chính trị hiện nay của Mỹ. Tính ra, ông Trump đã tăng cường lượng quân Mỹ có mặt ở Syria và Iraq, ông ấy cũng tăng cường các cuộc ném bom vào Mosul bất chấp những hậu quả thảm khốc cho người dân tại đây. Và số cuộc không kích của Mỹ tại Yemen cũng tăng gấp 3 lần so với hồi năm 2016”, chuyên gia Lazare cho hay.

Nhà phân tích chính trị này khẳng định, một khi vị thế của Tổng thống Trump bị ảnh hưởng tiêu cực tại Washington, ông ta sẽ càng đáp trả bằng những động thái quân sự dữ dội hơn trên khắp thế giới, chứ không chỉ gói gọn ở khu vực Trung Đông.

Dù vậy, ông Lazare cho rằng đương kim Tổng thống Mỹ có thể vẫn muốn cải thiện quan hệ với Nga, thể hiện qua thái độ mềm mỏng dành cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad (một đồng minh thân cận của Moscow).

Theo vị chuyên gia này, ông Trump thực sự muốn nối lại quan hệ hữu nghị với Nga để đảm bảo thắng lợi trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố IS và al-Qaeda.