Tại sao tội phạm trẻ ngày càng manh động?

ANTĐ - Từ vụ thảm án kinh hoàng tại hiệu vàng Ngọc Bích, Lục Nam, Bắc Giang, mới thấy tội phạm trẻ ngày càng manh động. Do chế tài chưa đủ răn đe hay do “có vấn đề” về giáo dục?

Vụ giết người man rợ, cướp vàng ở Bắc Giang đã đi vào hồi kết, với việc hung thủ chính đã bị bắt. Tuy nhiên, vấn đề khiến hàng nghìn bạn đọc phản hồi bức xúc là chuyện “sát thủ” Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi, nên theo luật sẽ tối đa chịu 18 năm tù, không bị án tử hình. Tên cướp ra tay tàn bạo khiến 3 người chết, trong đó có bé gái 18 tháng tuổi, 1 cháu nhỏ 8 tuổi bị chém gần đứt lìa bàn tay.

Có lẽ vì thế, nhiều bạn đọc bức xúc tự “đề xuất” rất nhiều cách trừng trị kẻ thủ ác. Cần khẳng định ngay rằng, chúng ta sống trong một xã hội pháp quyền, nên mọi người phải tuân thủ pháp luật. Bức xúc vì sự man rợ của vụ án không có gì sai, nhưng đề xuất ra những biện pháp “man rợ không kém”, tất nhiên là trái luật nhằm trừng phạt thủ phạm Lê Văn Luyện là không nên. Không thể dùng biện pháp sai để xử lý một cái sai khác. Nếu như luật pháp chưa đủ độ răn đe, cần sửa đổi thì lại là chuyện khác.

Án mạng gia tăng do… game và cầm đồ?

Bạn đọc  từ email zippon...@gmail.com viết: “Tên giết người đúng thật dã man, tàn bạo... nhưng cái gì cũng có nguyên nhân và hệ quả. TẠI SAO? Đó là một dấu hỏi lớn cho xã hội và các nhà chức trách khi mà hàng loạt những game chém giết, rồi phim ảnh bắn giết nhau, máu me chặt đầu, đốt xác thi nhau len lỏi trong cuộc sống của chúng ta…”.

Thật oán giận những kẻ máu lạnh, mất hết tính người, nhưng bạn đọc Ha Phan (nguoidanong…@yahoo.com) đặt ra một câu hỏi không dễ trả lời: “Các bạn ơi, bọn chúng phạm tội khi còn quá trẻ. Liệu rằng đây có phải là câu hỏi lớn với các bậc cha mẹ, nhà trường các tổ chức xã hội không? Cần làm gì để xã hội trong sạch hơn?”.

“Tôi thấy nhiều người khi thấy tội phạm là muốn đưa ra xử ngay không cần biết nặng nhẹ, phải trái. Tình trạng kém hiểu biết dẫn đến phạm tội một cách mù quáng. Các hiệu vàng, hiệu cầm đồ biết hàng không rõ nguồn gốc vì lãi suất cao cũng cho vay tiền, gián tiếp tiếp tay cho họ vào con đường phạm tội. Thử hỏi là tại ai???” - bạn đọc Lan Hương- Thịnh Hào, Hà Nội đặt câu hỏi.

Bạn đọc Nguyễn Khắc Hai đồng tình: “Chúng ta đã bỏ qua nguyên nhân dẫn đến phạm tội. Các hiệu vàng, hiệu cầm đồ cho vay lãi cao bọn chúng mang đồ đến để đặt họ thừa biết chúng lấy tiền làm gì. Xong họ bỏ qua không khuyên bảo giác ngộ họ, tức là gián tiếp làm họ trượt sâu thêm... Rồi đến một lúc thành tội phạm mang tai hoạ cho chính mình và người thân của mình. Hãy tỉnh ngộ lại đi đừng vì món lợi nhỏ trước mắt vô tình hay cố ý tiếp tay cho họ phạm tội”.

Cần sửa đổi luật?

Bạn đọc Lê Hoàng Chương (chuong_hoan...@yahoo.com) nhấn mạnh: “Hung thủ đã bị bắt, dù pháp luật xử thế nào thì đó cũng là mục đích giáo dục, cải tạo một con người mà thôi. Vấn đề là làm sao cho xã hội đừng để xảy ra tình trạng cướp của, giết người nữa. Phải xây dựng một nền tảng đạo đức thật sự. Đó là cái gốc mà cả xã hội phải lo”.

“Chúng ta đi sâu quá vào hiện tượng mà không soi xét bản chất, nguyên nhân dẫn đến phạm tội để xem hàng ngày, hàng giờ chúng ta đã làm gì để góp phần phòng ngừa tội phạm. Nhất là thanh thiếu niên. Đã tạo sân chơi lành mạnh cho họ chưa? Chúng ta phải làm gì để cứu những người sắp bị như Luyện?” - bạn đọc từ email khachau...@yahoo.com.vn lưu ý.

Cho rằng, tội phạm ngày càng trẻ, manh động, không có tính người bạn đọc Hoang Dung (hoang...@yahoo.com) lưu ý: “Đầu óc của đứa trẻ 15 tuổi hiện nay khôn ngoan, lọc lõi bằng người 18 tuổi cách nay 20 năm. Chắc phải sửa lại luật một chút”. “Tôi nhận thấy nhiều điều luật cần phải sửa đổi bổ sung để tăng tính răn đe và giáo dục. Ai cũng nhận thấy, tội phạm hiện nay ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là lứa tuổi từ 16 đến 20. Vụ án mạng kinh hoàng ở Bắc Giang là một minh chứng điển hình, cần phải sửa đổi để phù hợp với sự phức tạp của bọn tội phạm”. Đỗ Minh Hải (minhha...@gmail.com) đề nghị.

Bạn đọc Trần Minh Tiền (minhtien...@yahoo.com) cũng như nhiều bạn đọc khác thống nhất: “Thời nay tuổi 16-18 là tuổi mà xã hội ta đã phải bàn quá nhiều rồi. Có lẽ Luật Hình sự từ nay cũng phải chỉnh sửa lại một số điều cho phù hợp”.