- Những dấu hiệu cảnh báo thận quá tải cần lưu tâm
- Những bộ phận của nam giới báo hiệu tình trạng sức khỏe
- Lần đầu tiên ghép thành công thận của lợn cho người
Những năm gần đây, xu hướng trẻ hóa bệnh nhân suy thận là vấn đề đáng báo động. Theo các bác sĩ, bên cạnh nguyên nhân bị ảnh hưởng bởi di truyền và bệnh lý khác thì lối sống cũng khiến gia tăng tình trạng suy thận ở người trẻ.
![]() |
Việc tầm soát sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận |
Uống ít nước, uống nhiều nước ngọt có ga
Nhiều bạn trẻ rất lười uống nước, thậm chí, họ còn không uống nước trong một thời gian khá dài. Bên cạnh đó, nhiều người không uống nước vì ngại phải đi vệ sinh, đôi khi còn nhịn tiểu. Có lẽ họ nghĩ rằng, đây chỉ là thói quen vô hại nên thường xuyên lặp lại nó. Tuy nhiên, khi cơ thể bị mất nước, chức năng bài tiết của thận cũng sẽ suy giảm. Bên cạnh đó, nhịn tiểu cũng sẽ tạo ra áp lực lớn lên thận và bàng quang, gây ra những bệnh lý ở các bộ phận này. Nhiều người thay thế nước lọc bằng những loại đồ uống có ga. Nước ngọt có ga sẽ khiến nồng độ pH trong cơ thể bị thay đổi. Khi uống những loại nước này trong thời gian dài và liên tục sẽ tạo gánh nặng cho thận, làm tăng xác suất hư hại thận.
Ăn quá no, quá mặn
Nhiều người thường có thói quen ăn quá no, đặc biệt là vào buổi tối. Khi đó, thận sẽ phải làm việc nhiều để bài tiết được hết những chất chuyển hóa dẫn đến bị quá tải và suy giảm chức năng. Ăn mặn khiến cho quá trình bài tiết gặp nhiều khó khăn và gây ra những ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện. Khi đó, thận sẽ phải chịu áp lực lớn để bài tiết được hết những chất cặn bã ấy. Bên cạnh đó, ăn mặn còn có thể gây tăng huyết áp, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận ở người trẻ tuổi.
Ăn thực phẩm chứa nhiều đạm
Ngày nay, rất nhiều người trẻ tuổi có xu hướng chỉ ăn thịt, cá chứ không ăn rau. Điều này sẽ làm lượng đạm trong cơ thể tăng cao. Khi protein quá nhiều sẽ làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu và gây hại cho thận. Thận bị tổn thương mà không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến suy thận mạn tính, nguy hiểm đến tính mạng.
Mắc một số bệnh lý
Suy thận là hậu quả của rất nhiều bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… Bên cạnh đó còn do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng. Ngoài ra còn có bệnh lý đường tiết niệu dẫn tới suy thận như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu… Một số bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận…
Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.
Phòng ngừa suy thận
Duy trì tập luyện. Việc tập luyện giúp quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi, ổn định huyết áp cũng như các bệnh lý chuyển hóa, ngăn tình trạng thừa cân, béo phì,... từ đó phòng ngừa và kiểm soát bệnh thận. Mỗi người cần thường xuyên luyện tập thể dục 30 phút/ngày với các bài tập nhẹ nhàng như: Đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội, yoga, dưỡng sinh,… để tăng khả năng tiêu thụ đường tại mô và cơ. Tránh luyện tập với cường độ cao, quá sức.
Ăn nhạt. Các chuyên gia khuyên chỉ nên bổ sung 5 - 6g muối/ngày (khoảng một thìa cà phê). Để giảm bớt lượng muối tiêu thụ, hãy cố gắng hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn và không nêm thêm muối vào thức ăn. Bạn cần có chế độ ăn hợp lý để tránh bị béo phì, thừa cân và thừa cholesterol. Đồng thời nên bổ sung nhiều rau xanh vào các bữa ăn.
Uống đủ nước hàng ngày. Mỗi ngày, cơ thể cần từ 1,5 - 2 lít nước. Uống nhiều nước giúp thận thải trừ natri, urê và các chất độc khỏi cơ thể, làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Không uống quá nhiều nước một lúc vì có thể gây hại. Điều quan trọng cần lưu ý rằng, lượng nước cần thiết cho mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: Giới tính, khí hậu, tình trạng sức khỏe,...
Không hút thuốc. Hút thuốc làm lưu lượng máu tới thận bị chậm lại. Khi ít máu đến thận sẽ làm giảm khả năng hoạt động của thận. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ ung thư thận.
Khám thận định kỳ. Vì bệnh thận tiến triển dần dần và thường chỉ biểu hiện triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sau nên việc chẩn đoán và phòng ngừa sớm bệnh thận là rất quan trọng, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp.